Những ngày qua, mưa lớn vẫn tiếp tục tại nhiều địa phương phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh miền núi. Mưa to kéo dài đã gây ra tình trạng sạt lở đất, một số thôn bản bị cô lập, lũ quét, lũ ống có thể ập đến bất cứ lúc nào. Các địa phương đang phải gồng mình trong cơn thiên tai.
Khắc phục hậu quả thiên tai tại Quảng Ninh.
Cao Bằng: Đất đồi đổ xuống nhà dân, 3 người chết, 5 người bị thương
Vụ sạt lở đất nghiêm trọng trên xảy ra vào khoảng 21h45 đêm 2/8 tại gia đình ông Triệu Sành Khuôn (40 tuổi) tại xóm Nà Tềnh, xã Cần Nông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Theo thông tin ban đầu cho biết, khi cả gia đình ông Khuôn đang ngủ thì hơn một nửa quả đồi phía sau nhà đã bất ngờ đổ sập xuống, vùi lấp toàn bộ căn nhà ông Khuôn. Khi xảy ra vụ việc trong nhà ông Khuôn có 10 người, đều là người thân trong gia đình.
Khi xảy ra vụ việc, may mắn ông Triệu Sùng Mần (77 tuổi) và em Triệu Thị Mưởng (16 tuổi) đã kịp thời chạy thoát ra ngoài an toàn. Vụ sạt lở đã khiến cho 3 người bị đất vùi lấp gồm ông Khuôn và bà Triệu Thị Chuổng (43 tuổi, vợ ông Khuôn) cùng con trai Triệu Văn Say 20 tuổi).
Ngoài ra, còn 5 người khác bị thương gồm: Triệu Văn Xì (17 tuổi), Triệu Thị Sình (20 tuổi), Triệu Dắt Phương (2 tuổi), Triệu Thị Mùi (18 tuổi) và Triệu Văn Phong (SN 2015) hiện đều đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thông Nông.
Tại hiện trường, hàng nghìn khối đất đá của quả đồi đã sạt xuống, vùi lấp lên trên ngôi nhà ông Khuôn khoảng gần trăm mét. Lực lượng chức năng phải huy động nhiều máy xúc để san gạt đất, tìm kiếm tung tích nạn nhân. Do thời tiết liên tục có mưa khiến quả đồi tiếp tục sạt lở nên công tác tìm kiếm thi thể nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn.
Đến 14h ngày 3/8, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể nạn nhân bà Triệu Thị Chuổng và em là Triệu Văn Say, riêng nạn nhân Triệu Sành Khuôn vẫn chưa tìm thấy. Ngành chức năng huyện Thông Nông cũng đã di dời khẩn cấp 2 hộ dân sống gần khu vực sạt lở đến ở tạm tại một trường học trên địa bàn. Theo thống kê, tổng thiệt hại về tài sản do vụ sạt lở đất gây ra đối với gia đình nạn nhân là hơn 400 triệu đồng.
Thanh Hóa: Nhiều nơi bị cô lập do ngập lụt
Ngày 3/8, ông Trương Nho Tự- Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết: Chiều tối và đêm 2/8 vừa qua, trên địa bàn huyện Quan Hóa đã xảy ra mưa lớn cục bộ kéo dài. Do mưa to, kèm theo lũ từ thường nguồn đã khiến nước sông Mã dâng cao gây ngập úng cục bộ QL 15A, (đoạn qua tiểu khu 1 thị trấn Quan Hóa và làng Ban xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa).
Các xã Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Lệ, Thành Sơn, Trung Thành, huyện Quan Hóa (dọc QL15A) bị ngập cục bộ nhiều điểm, khiến hàng chục hộ dân đã được chính quyền vận động di chuyển đến nơi an toàn. Riêng tại xã Phú Lệ, nước sông Mã dâng cao hơn so với mực nước cách đây 1 tuần lên tới gần 10m, khiến nhiều diện tích đất ruộng của bà con bị ngập hoàn toàn trong nước.
Tới trưa ngày 3-8, nước đã bắt đầu rút lộ mặt đường, tuy nhiên có nhiều nhà dân nằm phía bờ sông vẫn đang bị ngập lụt do nước sông Mã vẫn đang ở mức cao. Hiện nước sông Mã đang ở mức rất cao do lũ từ thượng nguồn đổ về. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có số liệu cụ thể về tình trạng ngập lụt tại địa phương do địa bàn rộng, giao thông, liên lạc gặp nhiều khó khăn.
Quảng Ninh: Thiệt hại nặng nề do mưa lũ
Thông cáo báo chí của UBND tỉnh Quảng Ninh chiều 3/8 cho biết, đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Cụ thể, số người chết lên tới 17 người, trong đó, TP Hạ Long có 14 người chết, Cẩm Phả có 3 người chết. Tổng thiệt hại về tài sản lên đến 2.700 tỷ đồng, riêng ngành than bị thiệt hại trên 1.200 tỷ đồng.
Tới nay, UBND tỉnh đã trích ngân sách 15 tỷ đồng để hỗ trợ 3 địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, hỗ trợ các trường hợp bị chết do ảnh hưởng của mưa lũ theo mức 6 triệu đồng/người chết và hỗ trợ toàn bộ chi phí mai táng, hỗ trợ 3 triệu đồng/người bị thương; hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà bị sập hoàn toàn. Đồng thời các hộ gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà bị sập đổ hoàn toàn cũng được hỗ trợ với mức 20 triệu đồng/hộ; các hộ gia đình bị thiếu đói do thiên tai được hỗ trợ 20kg gạo/ người/ tháng.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, nhiều tuyến đường giao thông tại Quảng Ninh đã bị tê liệt hoàn toàn, nhiều tuyến kè bị ngập lụt, sạt lở hư hỏng, tổng khối lượng đất đá sạt, trượt trên các tuyến giao thông ước khoảng trên 600.000 m3. Có 339 căn nhà bị đổ sập hoàn toàn, ngập sâu và hư hỏng nặng. Gần 4.000 ha lúa, hoa màu và gần 1.200 ha nuôi trồng thủy hải sản bị ngập, bị thiệt hại; hơn 2.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi… 248 trạm điện bị sự cố cần phải xử lý trong đó có 18 trạm bị hư hỏng nặng, cháy 03 trạm 250KVA, 177 cột điện trung và hạ áp bị đổ…
Hơn 1,2 vạn khách hàng điện lực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, tính đến ngày 3/8, trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc do EVNNPC quản lý, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đã gây ra các sự cố về lưới điện, ngập các công trình điện ảnh đến hơn 1,2 vạn khách hàng (bị mất điện hoặc buộc phải cắt điện do không đảm bảo an toàn cung cấp điện).
Theo EVNNPC, mưa lớn trong các ngày qua tại các tỉnh miền Bắc gây ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất, ảnh hưởng lớn đến tình hình quản lý, vận hành và gây nhiều sự cố lưới điện trên địa bàn các tỉnh miền Bắc. Cụ thể, tại Quảng Ninh, Công ty Điện lực Quảng Ninh cho biết, hiện còn 39 trạm biến áp (trong đó có 4 trạm biến áp thuộc tài sản của khách hàng) cung cấp điện cho 5.210 khách hàng đang bị mất điện.
Tại Sơn La, do sự cố ở trạm biến áp (TBA) 110 kV Phù Yên, 2 TBA phân phối cấp điện cho xã Nậm Giôn huyện Mường La và bản Chẹn thuộc huyện Bắc Yên bị sự cố gây mất điện cho 382 khách hàng. Công ty Điện lực Sơn La đã và đang ứng trực, sẵn sàng các giải pháp khắc phục sự cố để sớm cấp điện trở lại cho khách hàng.
Tại Lạng Sơn: Sự cố lưới điện hạ áp ở 2 TBA Làng Càng và Chợ Hoàng (Điện lực Chi Lăng), 2 TBA Lục Thôn và Quan Bản 2 (Điện lực Lộc Bình) và 1 nhánh rẽ đường dây 0,4 kV sau và TBA Kai Kinh (Điện lực Hữu Lũng) gây mất điện cho khoảng 520 khách hàng.
Công ty Điện lực Điện Biên cũng cho biết, do lũ ống, ngập úng và sạt lở đất trên địa bàn đã gây mất điện 1 nhánh rẽ 35kV đi TBA Chiềng Sinh 4, làm mất điện 1 TBA Chiềng Sinh 4 cấp điện cho khoảng 250 khách hàng. Rạng sáng ngày 3/8/2015, sạt lở 4 cột trung áp lộ đường dây 375 E21.2 (TBA 110kV Điện Biên) gây mất điện cho 4.000 khách hàng…
EVNNPC cho biết, đã và đang cùng các Công ty Điện lực thành viên, Công ty Lưới điện cao thế miền Bắc và các chi nhánh, liên tục theo dõi diễn biến thời tiết, sẵn sàng các giải pháp quản lý vận hành và phòng chống thiên tai, khắc phục sự cố, nhằm đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, ổn định. Ngay khi nước rút, tình hình mưa lũ, ngập úng giảm đi, điện lực miền Bắc sẽ sớm cấp điện trở lại cho khách hàng, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
H.Anh - T.Sơn - L. Duẩn - D.Phương
Khẩn cấp di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở đất Ngày 3/8, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu UBND huyện Nam Trà My chỉ đạo sớm dời dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở đất, đá đến sinh sống an toàn. Theo đó, ông Thanh yêu cầu UBND huyện Nam Trà My đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nước sinh hoạt, điện thắp sáng,… tại điểm dự kiến bố trí dân cư mới tại thôn 5, xã Trà Cang và vận động di dời 30 hộ dân có nguy cơ cao về sạt lở đất tại 2 Nóc Tak Giang và Tak Chai đến nơi ở mới trước mùa mưa lũ năm 2015. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc địa phương trong việc thực hiện di dời 30 hộ dân nói trên; đồng thời, tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ kinh phí di dời dân theo quy định. Tấn Thành |