Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13h ngày 9/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp cách đảo Song Tử Tây khoảng 360 km về phía Đông Bắc. Dự báo đến 13h hôm nay, ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 240 km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.
Trên đất liền, từ 13h đến 19h ngày 9/10, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Bình Định tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi phổ biến từ 30 - 80 mm, riêng từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam phổ biến từ 50-100 mm, có nơi trên 200 mm.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Định.
Ngày 9/10, lũ trên sông Ngàn Sâu (tỉnh Hà Tĩnh), các sông ở tỉnh Thừa Thiên-Huế lên cao. Lũ ở sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) lên lại. Mực nước tại các sông ở tỉnh Quảng Bình đang dao động ở mức cao.
Cụ thể, vào tối 9/10, mực nước trên sông Ngàn Sâu tại Trạm Chu Lễ lên mức 13,5 m, dưới báo động 3 là 0,5 m. Mực nước trên sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) tại Trạm Mai Hóa ở mức 3,8 m, trên báo động 1 là 0,8 m. Nước trên sông Kiến Giang (tỉnh Quảng Bình) tại Trạm Lệ Thủy ở mức 2,6 m, trên báo động 2 là 0,4 m.
Mực nước trên sông Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị) tại Trạm Thạch Hãn ở mức 6,2 m, trên báo động 3 là 0,2 m; sông Hương (tỉnh Thừa Thiên-Huế) tại Trạm Kim Long ở mức 2 m, báo động 2. Mực nước trên sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên-Huế) tại Trạm Phú Ốc lên mức 4,5 m, báo động 3 trong trường hợp Nhà máy Thủy điện Hương Điền xả lũ với lưu lượng 1.500-1.800 m3/s.
Như vậy, đợt mưa lớn kéo dài này khiến nhiều địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục bị ngập lụt.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, mưa lũ ở khu vực Trung Bộ từ ngày 6 đến ngày 9/10 đã làm ngập lụt trên diện rộng tại Quảng Trị và ngập sâu tại Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế. Tính đến sáng ngày 9/10 đã có nhiều thiệt hại về người và của do mưa lũ tại Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thống kê sơ bộ từ ngày 6 đến ngày 9/10, mưa lũ tại khu vực này đã làm 5 người chết, 8 người mất tích. Trong đó, Quảng Trị bị thiệt hại lớn nhất, đã có 2 người chết và 6 trường hợp mất tích. Các địa phương khác cũng có thiệt hại về người do mưa lũ là Quảng Ngãi (1 người chết), Gia Lai (1 người chết), Đắk Lắk (1 người chết), Thừa Thiên - Huế (1 người mất tích), Gia Lai (1 người mất tích).
Thiệt hại về nông nghiệp, thủy sản của Quảng Trị cũng rất lớn khi có tới 538 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Dự báo, trong hôm nay, ngày 10/10, các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi vẫn sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to với nguy cơ rất lớn về rủi ro thiên tai do mưa lớn.
Cụ thể, tổng lượng mưa phổ biến ở khu vực này sẽ là 100-200 mm, có nơi trên 300 mm; ở Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa 50-100 mm, có nơi trên 100 mm.
Trước đó, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho thấy, từ 19 giờ ngày 6/10 đến 19h ngày 8/10, khu vực Trung Bộ có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 400-600 mm, đặc biệt tại một số nơi ở tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tổng lượng mưa từ 800 đến 1.000 mm.
Như vậy, trong khi mưa tiếp tục trút xuống miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi), thì khu vực này được dự báo có thể sẽ lại chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão. Từ nay cho tới ngày 17/10, thời tiết khu vực này xấu do mưa lớn kéo dài.
Nước trên các dòng sông tại đây vẫn ở mức cao. Nước tại các hồ thủy lợi, thủy điện tiếp tục lên cao. Trong khi đó, rất cần đề phòng tình trạng sạt lở đất do đất bị ngậm nước lâu ngày sẽ trở nên yếu.
Nhiều ngày qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum trời có mưa. Thiệt hai phổ biến nhất là tình trạng sạt lở ta luy dương và ta luy âm. Cụ thể, tỉnh lộ 676 từ trung tâm huyện Kon Plông đi các xã Măng Cành, Đăk Tăng, Măng Bút có 9 điểm sạt lở với khối lượng đất đá khoảng 5.000m3. Trên tuyến đường Trường Sơn Đông đoạn qua xã Hiếu, huyện Kon Plông xuất hiện 2 điểm sạt lở và trên quốc lộ 40B đoạn qua xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông xuất hiện tình trạng đất trôi từ ta luy xuống mặt đường dẫn đến nguy cơ tắc đường.
Đối với hệ thống giao thông nông thôn, thiệt hại nặng nhất xảy ra tại các huyện: Kon Plông, Ngọc Hồi và Đăk Hà. Hàng trăm mét đường liên thôn, đường ra khu sản xuất ở các địa phương này đã bị nước lũ gây sạt lở, cuốn trôi mặt đường, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Riêng tại xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà, cầu treo dân sinh ở làng Đăk Kơ Đương dài 120 m, mặt cầu làm bằng gỗ rộng 1,2 m bắc qua sông Đăk Pxi đã bị lũ cuốn trôi.