Từ đầu năm 2016 tới nay, thiên tai đã làm 11 người chết, 41 người bị thương, hơn 475.000 hộ dân bị thiếu nước, 290.000 ha lúa, hoa màu và hơn 161.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại. Đứng trước thực trạng biến đổi khí hậu dữ dội trong thời gian gần đây, bước vào mùa mưa bão, các giải pháp phòng chống thiên tai, bão lũ đã được đưa ra.
Trước đó, tại Hà Nội, trong Hội nghị giao ban trực tuyến do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì, nhiều cảnh báo về mưa bão trong năm 2016 đã được đưa ra. Phó thủ tướng nhấn mạnh: Thiên tai, sự cố liên tục rình rập đòi hỏi chúng ta phải chủ động, ứng phó có hiệu quả với thiên tai. Trước mùa mưa bão này, khái quát những bất cập, cho thấy, công tác dự báo còn bị động trước thiên tai. Các địa phương phải chủ động ứng phó để giảm thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ. Bố trí lại dân cư ở các khu vực hay xảy ra sạt lở đất, tái định cư để giảm rủi ro cho người dân do thiên tai gây ra.
Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn, từ đầu năm 2016 tới nay cho biết, thiên tai đã làm 11 người chết, 41 người bị thương, hơn 475.000 hộ dân bị thiếu nước, 290.000 ha lúa, hoa màu và hơn 161.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại. Cũng theo Ban chỉ đạo cho biết có hơn 19.000 gia súc và 44.000 gia cầm bị chết. Tổng thiệt hại do thiên tai lên tới trên 9.730 tỉ đồng, trong đó có 700 tỉđồng do rét, hạn mặn 8.906 tỉ đồng, 128 tỉ đồng do giông, lốc, sét và cao hơn mức tổng thiệt hại do thiên tai của cả năm 2015 là 8.114 tỉ đồng.
Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng trong các loại thiên tai thì mưa lũ, lũ quét, mưa bão, sạt lở đất… gây thiệt hại về người lớn nhất. Do vậy, các địa phương cần chú ý trong việc xây dựng các biện pháp ứng phó với mưa lũ. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thêm, tần xuất xuất hiện những hiện tượng thiên tai bất thường ngày càng thường xuyên hơn. Yêu cầu các địa phương cần xây dựng các kế hoạch để đối phó với mưa lũ, sơ tán người dân. Những khu vực nào có nguy cơ cao thì dứt khoát phải di dời ngay người dân ra khỏi đó.
Riêng tại tỉnh Vĩnh Phúc, một tỉnh có hệ thống sông ngòi và hồ chứa phức tạp, bước vào mùa mưa bão, khảo sát đánh giá mức độ, tỉnh này đã được Ngân hàng Thế giới (WB) dành cho 150 triệu USD để giúp kiểm soát lũ. Số tiền này sẽ được hình thành với Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chống lũ, thu gom và xử lý nước thải và nâng cao năng lực dự báo và phòng chống lũ cho tỉnh. Dự án sẽ bảo vệ 255.000 dân địa phương, gồm 60% sống tại địa bàn nông thôn và 40% tại các thị xã, thị trấn nhỏ trên diện tích 5.720 ha trong tổng số 8.390 ha hay bị lũ lụt trong vòng 10 năm gần đây. Dự án cũng sẽ cải thiện vệ sinh cho khoảng 120.000 người tại 4 thị trấn và 33 làng, đồng thời xây dựng một hệ thống cảnh báo lũ lụt sớm và ứng phó khẩn cấp cũng như một cơ chế quản lý lưu vực sông.
Để đối phó với thiên tai, mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng vừa có Công điện số 10/CĐ-UBND gửi các ngành thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc chủ động phòng tránh, đối phó do mưa, dông lốc. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và ban chỉ huy các huyện, thị xã, thành phố, ngay đầu mùa mưa bão, Yên Bái đã gánh những hậu quả nặng nề.