Theo cơ quan chức năng, 18 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện có tổng số 4.086 hồ chứa thủy lợi, chiếm 60% tổng số hồ thủy lợi cả nước (6.750 hồ), với tổng dung tích 10,1 tỷ m3. Đó là chưa kể hồ thủy điện, với khu vực được cho là “chi chít” thủy điện vừa và nhỏ. Trong khi, nhiều hồ đập ở đây xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trước diễn biến mưa lũ ngày càng bất thường.
Bão số 4 vừa qua, mưa lớn ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã làm nước trên các sông, suối đổ dồn về nhiều hồ thủy lợi, thủy điện, uy hiếp nghiêm trọng sự an toàn các công trình này và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Gia Lai, khi kiểm tra, đập của 3 hồ chứa Tân Sơn, Hoàng Ân, Hà Ra Nam bị thấm nước. Các công trình hồ chứa thủy lợi nhỏ cũng xuất hiện hư hỏng với thân đập 8 công trình bị thấm. Riêng hồ Chư Gu hư thấm nghiêm trọng. Cùng đó là 26 công trình bị sạt lở mái thượng, hạ lưu đập… Ông Kpă Thuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh tăng cường kiểm tra, đánh giá hiện trạng an toàn của công trình, lập kế hoạch và sửa chữa các hư hỏng ở các đập, hồ chứa nước xung yếu, tránh xảy ra sự cố mất an toàn.
Còn tại Đắk Lắk, toàn tỉnh có 615 công trình hồ đập. Kết quả kiểm tra mới đây cho thấy có 5 hồ đập đã hư hỏng nặng, 110 hồ đập nhỏ bị sạt lở, 30 thân tràn hư hỏng, 27 bể tiêu năng bị xói, 16 tràn được đánh giá thiếu khả năng tháo lũ… Riêng hồ Ea Dong ở huyện Buôn Đôn có vết nứt nhỏ dài khoảng 5 mét.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, cuối tháng 9, nước trong lòng hồ Krông Pách Thượng bắt đầu dâng lên và đến hết tháng 12 sẽ đạt cao trình +482,6 mét. Bộ NNPTNT chỉ đạo phải di dời toàn bộ người dân sống dưới cao trình về khu tái định cư ở huyện Ea Kar. Huyện đã thành lập các tổ tuyên truyền vận động người dân di dời. Tuy nhiên, do cơ sở hạ tầng khu tái định cư số 2 ở huyện Ea Kar chưa hoàn thiện, chưa có đất sản xuất nên người dân chưa chịu di dời. Hiện nay, gần 500 hộ/hơn 700 hộ phải di dời sống trong lòng hồ khi mùa mưa lũ đang cận kề.
Tại Kon Tum, chủ động ứng phó mưa lũ, Sở NNPTNT tỉnh này đã yêu cầu các đơn vị liên tục kiểm tra, rà soát các hồ chứa hư hỏng, hồ chứa xung yếu có nguy cơ mất an toàn để kịp thời có phương án tích nước và giải pháp an toàn công trình cũng như vùng hạ du.
Nhìn chung tại các tỉnh bắc Tây Nguyên, hàng trăm hồ chứa thủy lợi đã được xây dựng cách đây hơn 30 năm. Theo Vụ An toàn đập (Tổng cục Thủy lợi), 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum có 56 hồ chứa (trong đó 13 hồ lớn) đang hư hỏng nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi diễn biến mưa lũ bất thường.
Khu vực bắc miền Trung, 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh có hơn 500 hồ đập lớn nhỏ. Do xây dựng đã lâu, nên tới nay có tới khoảng 160 hồ đập bị xuống cấp, hư hỏng, nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân sống ở hạ du, nhất là khi có bão lũ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4, từ ngày 28/9 đến 3/10, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có mưa to đến rất to, gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt là tại các huyện Kỳ Sơn, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn... Mưa lũ khiến 8 người chết; trên 18.000 nhà ngập, hư hỏng, 1.392 hộ phải di dời... Nghệ An hiện có khoảng 1.061 hồ, đập chứa các loại. Do mưa lớn kéo dài, đến ngày 5/10 đã có hơn 950 hồ, đập đầy nước. Tuy nhiên, chỉ khoảng hơn 150 hồ, đập bảo đảm an toàn, đã được gia cố. Các hồ, đập nhỏ còn lại do địa phương quản lý có nguy cơ mất an toàn rất cao.
Tại Quảng Bình, thống kê từ Sở NNPTNT cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 153 hồ chứa, 193 đập dâng thủy lợi. Qua kiểm tra, có 49 hồ chứa hư hỏng phải tích nước hạn chế. Đặc biệt, hồ chứa Dạ Lam (xã Thái Thủy, huyện lệ Thủy) không tích nước do bị hư hỏng và có nguy cơ sự cố mất an toàn cao.
Ông Lê Văn Thuận - Chủ tịch UBND xã Thái Thủy cho biết, hồ chứa Dạ Lam được nhân dân đóng góp xây dựng từ năm 1987, từ trước đến nay chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. “Hồ chứa Dạ Lam là công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho 40ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện thân đập đang bị hư hỏng, thấm nước, mái đập phía thượng lưu thường xuyên bị xói mòn, sạt lở, tràn chưa đảm bảo thoát lũ, cống lấy nước bị sập lún, hư hỏng khoảng 70%. Địa phương phải thường xuyên dùng bạt phủ thân đập để đảm bảo bớt thấm nước cũng như sóng vỗ” - ông Thuận thông tin.
Trong khi đó, theo ông Mai Văn Minh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Bình, hầu hết công trình hồ, đập được xây dựng từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước nên việc hư hỏng, xuống cấp là không thể tránh khỏi. Kinh phí bố trí cho bảo trì, sửa chữa thường xuyên cho các công trình này còn nhiều hạn chế, vì thế, việc sửa chữa thiếu đồng bộ, nhiều hạng mục công trình từ đó bị hư hỏng, xuống cấp.
Còn khu vực Nam Trung bộ, Khánh Hòa là địa phương có số lượng đập, hồ chứa thủy lợi khá lớn, với 28 đập, hồ chứa nước thủy lợi với dung tích gần 250 triệu m3 và 3 hồ thủy điện. Theo ông Lê Xuân Thái - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Khánh Hòa, qua thống kê kiểm tra mới đây, 28 hồ đập không xảy ra sự cố do mưa lũ gây ra. Tuy nhiên, một số hạng mục của đập bị thấm tại 5 hồ, biến dạng mái đập ở 4 hồ, 2 hồ có xuất hiện tổ mối.
Biến đổi khí hậu, càng ngày vào những tháng cuối năm bão càng dồn vào miền Trung. Trong khi tại đây tập trung nhiều hồ đập thủy điện, thủy lợi, trong đó nhiều công trình đã xây dựng từ nhiều chục năm trước, đã xuống cấp. Kinh phí địa phương ít rất khó cho việc bảo dưỡng, gia cố. Hầu hết các tỉnh miền Trung nghèo, ngân sách thu trên địa bàn ít, nên việc dành tiền cho việc gia cố các công trình hồ đập là khó khăn. Chính vì thế, đã dẫn tới việc không ít nơi xả lũ ngay trong lúc mưa lớn, kể cả xả lũ trong đêm. Chỉ vì để bảo đảm an toàn cho hồ đập mà tạo ra những trận lũ trút nước xuống hạ du, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.
Theo báo cáo rà soát của Tổng cục Thủy lợi, riêng trên địa bàn 18 tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện có 566 hồ chứa hư hỏng ở mức độ khác nhau và chưa có kinh phí để sửa chữa nâng cấp. Toàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện có 4.086 hồ chứa thủy lợi, chiếm 60% tổng số hồ thủy lợi cả nước (6.750 hồ), với tổng dung tích 10,1 tỷ m3. Gần đây, theo đề xuất của các địa phương, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ 12 tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 1.000 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 68 hồ chứa trong khuôn khổ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng đối với tỉnh Đắk Lắk có nhiều hồ chứa thứ 3 cả nước, cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên, theo đề xuất của UBND tỉnh này, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý hỗ trợ địa phương 123 tỷ đồng để sửa chữa nâng cấp 8 hồ chứa.