Mỗi năm, khi mùa gió chướng thổi về từ phía biển là lúc những ngư dân ven bờ vùng Tây Nam Tổ quốc lại hối hả rủ nhau đi vớt mực nang. Khác với mực ống, dù giá trị kinh tế thấp hơn nhưng đánh bắt mực nang lại không tốn nhiều chi phí, phù hợp với những ngư dân nghèo ven bờ.
Xuyên đêm cùng ghe mực
Thực tế mực nang gần như xuất hiện quanh năm ở vùng biển Tây Nam rộng lớn nói chung và vùng biển huyện Kiên Lương nói riêng. Tuy nhiên từ thời gian tháng 3 cho tới tháng 7, mực nang xuất hiện nhiều hơn. Đây là thời gian cuối mùa gió chướng, trời thường có những đợt mưa nhỏ cuối chiều, rất thích hợp cho người làm nghề đánh bắt mực.
Cũng như nhiều ngư dân làm nghề khai thác mực ở miền Trung hay ngoài khơi đại dương, ngư dân vùng biển Tây Nam bắt đầu một ngày làm việc khi mặt trời từ từ xuống biển.
Hơn 6h tối, chiếc ghe nhỏ dài chừng 8 mét, rộng 2 mét của anh Nguyễn Văn Hai (57 tuổi) ngụ tại xã Bình An (huyện Kiên Lương - Kiên Giang) tháo neo, rời nhà bắt đầu một đêm đánh bắt. Đây là công việc lặp đi lặp lại với anh gần suốt hơn 10 năm qua.
Sau chừng gần một giờ di chuyển với khoảng cách khoảng 10 hải lý, anh Hai tìm được ngư trường để neo ghe lại và chuẩn bị đồ nghề. Với người đánh mực quan trọng nhất là bộ bình ắc quy được nạp đầy điện và 2 bóng đèn công suất 1.000 oát.
“Mực là loài bắt sáng. Buổi tối chỉ cần thấy ánh sáng là chúng bơi lại. Mình chỉ cần quan sát thật nhanh, khi chúng nổi lên là vớt mà thôi. Trên ghe luôn có sẵn 2 cây sào dài 5 mét, có buộc tấm lưới ở đầu để vợt mực. Mình phải vợt sao cho con mực không đập vào thành, không quẫy mạnh để mực bắn tung tóe ra. Mực bắn ra nhiều thì nó dễ bị ngộp mà vùng nước sẽ bị đen, ít có mực khác tìm tới”, anh Hai chia sẻ thêm.
Là người làm nghề biển lâu năm ở vùng này, anh Hai gần như thông thuộc từng vùng nước, từng thời gian hay thời tiết để quyết định việc đánh bắt có hiệu quả nhất.
“Biển Kiên Lương có nhiều đảo nên rất nhiều loài hải sản trú ngụ, cư trú. Ở đây ngư dân làm nhiều nghề nhưng mùa này đi vớt mực rất đông. Buổi chiều gió mạnh, có thêm chút mưa cho biển động là tối đó mực rất nhiều. Mấy đêm trước mình vớt được 14 ký mực, còn mấy ngày nay chỉ khoảng từ 6-10 ký lô, tùy theo. Phần vì nhiều người vớt, phần vì biển dịu lại”, anh Hai chia sẻ.
Ngoài vớt mực nang, anh Hai cũng thả câu khoảng 10 lưỡi với các mồi giả bằng nhựa màu xanh. Bởi vùng biển này có 2 loại mực. Mực nang chiếm số lượng nhiều và mực ống ít xuất hiện hơn. Tuy đánh bắt được số lượng ít hơn nhưng mực ống lại có giá trị kinh tế cao hơn.
“Mỗi ký mực nang bán cho thương lái ngoài cảng Ba Hòn chỉ có 70-80 ngàn đồng, trong khi mực ống có giá hơn hai trăm ngàn. Mực thả mồi sâu khoảng 2 mét nước bởi mực ống không nổi lên, chúng chỉ di chuyển ở tầng nước sâu mà thôi. Có đêm cũng bắt được cả ký mực ống chứ không ít”, anh Hai chia sẻ thêm về kinh nghiệm.
Theo người đàn ông này, để duy trì đánh bắt mỗi đêm ngư dân phải tốn chi phí khoảng 12 tới 15 lít dầu để duy trì máy nổ và phát điện chiếu sáng. Với giá dầu đang tăng thời gian qua, đây là một khoản tiền rất lớn nhưng điều quan trọng nhất vẫn là đón trúng luồng mực. Bởi so với nhiều nghề khác, tiền dầu kể trên là khá ít ỏi.
Thành phố đèn trên biển
Trải dài tới gần trăm cây số chu vi, vùng ven biển Kiên Lương với lợi thế là hàng chục hòn đảo lớn nhỏ là địa hình không thể tốt hơn để những loài hải sản sinh sôi, phát triển. Tùy theo từng mùa, từng thời gian trong năm mà ngư dân có thể có các lựa chọn cho riêng mình. Nhưng thời gian này, buổi đêm trên biển luôn lấp lánh hàng trăm ngọn đèn, nhìn xa xa như một thành phố ánh sáng. Một thành phố gắn liền với cơm áo mưu sinh của nhiều ngư dân.
Anh Đặng Văn Thắng, 33 tuổi quê ở Tri Tôn (An Giang) nhưng đã chuyển về vùng biển Kiên Lương này sinh sống kể. Hơn chục năm trước, anh theo bạn xuống ven vịnh trông chòi nuôi nghêu cho người quen. Được nửa năm anh xin sang ghe lưới cào làm thuê rồi lấy vợ, vay mượn mua chiếc ghe nhỏ hơn trăm triệu làm nghề biển.
“Mình sinh ra lớn lên ở phía núi, ban đầu làm nghề biển chỉ sợ không quen nên bạn bè bảo đi vớt mực là dễ trúng nhất. Nghe là làm theo. Thời gian đầu có anh em hướng dẫn nhưng chỉ hơn tháng là quen. Giờ trúng mùa biển động, có đêm mình vớt tới hai chục ký mực chứ không ít. Có đêm vợ mình đi theo để phụ giúp phân loại mực lớn cho vào thùng riêng. Sáng hôm sau mang lại chợ Bình An cho thương lái lấy đem lên Cần Thơ, Rạch Giá”, anh Thắng cho biết.
Cũng theo anh Thắng, những thời gian mực ít, anh lấy ghe chạy ra ngoài những hòn đảo xa hơn để làm các nghề khác. Nếu nghề vớt mực ít đầu tư ngư cụ, chi phí thì những nghề khác đều tốn kém hơn.
“Những tháng khác trong năm không đánh mực được, mình đi thả lưới ghẹ và tôm tít. Đi lưới thì phải chạy ghe xa hơn, có khi tuốt gần đảo Phú Quốc nữa. Ngoài đó ghẹ nhiều, tôm tít cũng lớn nhưng phải đi hai vợ chồng. Nghề lưới chủ yếu đánh bắt ban ngày, có hàng là cập vào Phú Quốc bán cho mối rồi neo ghe lại ngủ qua ngày hôm sau đánh tiếp. Những chuyến đi như vậy có khi một vài tuần mới về. Cũng may ba đứa nhỏ ở nhà đều có ông bà ngoại chăm sóc chu đáo”, anh Thắng chia sẻ thêm.
Thời gian này, ban đêm trên biển Kiên Lương nói riêng và vùng biển Tây Nam nói chung rất nhộn nhịp. Hàng trăm ghe lớn nhỏ đều chong đèn sáng cả vùng trời, tiếng máy nổ kêu bành bành để khai thác mực. Từ khu vực ven bờ trải dài tới vùng biển ven đảo Phú Quốc, đâu đâu cũng có ghe làm nghề mực.
Suốt một đêm cùng những ngư dân nơi đây tôi thấy bất ngờ chính là cách đánh bắt mực nơi đây. Sử dụng đèn để câu mực thì ngư dân miền Trung, miền Bắc cũng quá quen thuộc nhưng vớt được chúng bơi trên biển thì lần đầu tôi thấy.