Ở Việt Nam, những năm gần đây, ngày Phật đản được coi là một dịp quan trọng, thu hút sự tham gia không chỉ của Phật tử mà còn của người dân trên mọi miền của đất nước. Nhiều người hay gọi ngày Phật đản là “Mùa Phật đản” để hòa chung niềm vui cùng mọi người trên khắp thế giới mừng ngày Đức Phật ra đời.
Lễ dâng hoa tưởng niệm nhân Phật đản PL2559. Ảnh: Võ Nhân.
Thường niên, Lễ Phật đản được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức một cách trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào đúng ngày Rằm tháng 4, Giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức xe hoa diễu dành trên các đường phố, làm lễ phóng sinh, thả hoa đăng trên sông, tổ chức văn nghệ chào mừng Phật đản, thuyết giảng Phật pháp, đèn lồng và cờ Phật giáo được treo khắp các chùa, làm lễ đài tổ chức… có hàng nghìn tăng, ni, phật tử tham dự.
Giáo hội Phật giáo các tỉnh thành và các chùa cơ sở phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tại địa phương còn tổ chức các hoạt động từ thiện, xây nhà tình thương, thăm hỏi và tặng quà bà con nghèo.
Theo kinh sách của nhà Phật, Đức Phật có tên thật là Tất Đạt Đa, là thái tử con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Mada, thuộc bộ tộc Thích Ca, nước Ấn Độ cổ đại. Đại lễ Phật đản được lưu truyền từ ngàn xưa cho đến nay.
Trước kia, một số nước ở châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản… đều làm lễ Phật đản vào ngày 8/4 (âm lịch) nhưng đến năm 1950, tại Hội nghị Phật giáo thế giới ở Sri Lanka đã quyết nghị lấy ngày trăng tròn đầu mùa hạ (ngày 15/4 âm lịch) làm ngày kỷ niệm Phật đản chính thức.
Theo thông lệ, hằng năm cứ đến ngày này, hầu hết các nước có Phật giáo và những người con của Phật đều long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Từ năm 1999, Lễ Phật đản đã được Liên hợp quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên hợp quốc gọi là Vesak (lễ Phật đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).
Tại Việt Nam, nhất là ở Huế, vào ngày Phật đản các Phật tử không sát sinh, giết gà, vịt... Ngày đó, tất cả mọi người đều ăn chay, người bán hàng ở chợ cũng chỉ bán đồ chay. Ngoài ra, nhiều người còn thả chim, thả cá tạo niềm vui và hiến dâng sự sống cho muôn loài...
Hòa thượng Thích Gia Quang- Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN chia sẻ, lễ Phật đản là dịp để những người con Phật cảm nhận công ơn của Đức Phật nhân ngày đản sinh của Ngài ra đời mới có đạo Phật, mới có những giáo lý tốt đẹp, để đem đến lợi lạc cho nhân loại.
Trong đó, đặc biệt đối với những người con Phật. Đó là ý nghĩa lớn nhất. Đức Phật ra đời đánh dấu sự phát triển tiến bộ của nhân loại về khoa học, đạo đức của nhân loại. Cách đây đã trên 2.600 năm, đặc biệt ở xứ Ấn Độ lúc bấy giờ, sự phân biệt đẳng cấp rất khắc nghiệt, đạo Phật cũng rất tiến bộ so với cả nền khoa học và công nghệ, đức Phật ra đời còn đem lại cả những giá trị đạo đức tốt đẹp cho nhân loại.
Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết, năm nay chủ đề của Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng hướng con người đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu để đem lại sự sống cho nhân loại nói chung và nhân dân Việt Nam.
Năm nay, dịp lễ Phật đản gắn liền với Ngày hội toàn dân đi bầu cử Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp, các Phật tử nên tham gia tích cực, lựa chọn những người có tài, đức phục vụ nhân dân, đất nước để đưa đất nước ngày càng phát triển, đạo Phật cũng phát triển hơn trong lòng dân tộc
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, ngày nay trong xã hội hiện đại, đạo Phật luôn hướng con người đến với đức tin chân chính, đức tin mà con người có thể vượt qua được những khó khăn để có được cuộc sống an lạc, hạnh phúc.