Bộ Y tế vừa có công văn số 5438/BYT-TB-CT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị tăng cường kiểm tra, quản lý các cơ sở sản xuất, mua bán trang thiết bị y tế.
Theo đó, Sở Y tế các địa phương cần công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp vi phạm trong hoạt động mua bán, sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế.
Trang thiết bị y tế phải được kiểm chuẩn định kỳ về chất lượng sản phẩm hàng hóa, hiệu chuẩn theo quy định của nhà sản xuất.
Chưa tuân thủ qui trình mua sắm
Siết quản lý trang thiết bị y tế cũng là vấn đề được người bệnh và dư luận quan tâm lâu nay.
Theo quy định trang thiết bị y tế phải được kiểm chuẩn định kỳ về chất lượng sản phẩm hàng hóa, hiệu chuẩn theo quy định của nhà sản xuất.
Đại diện Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế- Bộ Y tế cho hay, trước đó Nghị định 36/2016/NĐ-CP có một số điểm mới yêu cầu doanh nghiệp phải cập nhật thông tin để có sự chuẩn bị về hồ sơ thủ tục cần thiết khi muốn tiến hành sản xuất kinh doanh trang thiết bị y tế.
Đơn cử như trang thiết bị y tế phải được kiểm chuẩn định kỳ về chất lượng sản phẩm hàng hóa, hiệu chuẩn theo quy định của nhà sản xuất, trừ trường hợp trang thiết bị y tế là phương tiện đo bức xạ hoặc thiết bị bức xạ thực hiện theo quy định của pháp luật về đo lường và năng lượng nguyên tử.
Bên cạnh đó từ ngày 1/1/2017 các trang thiết bị y tế ở thị trường Việt Nam đều phải thực hiện việc phân loại để phục vụ cho công tác quản lý…
Các quy định trên nhằm bảo đảm việc chịu trách nhiệm về chất lượng trang thiết bị y tế lưu hành, ngăn chặn thiết bị nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giảm thiểu thấp nhất rủi ro cho người bệnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, theo phản ánh của người dân và qua ghi nhận từ việc hậu kiểm của Bộ Y tế cho thấy một số cơ sở sản xuất, mua bán trang thiết bị y tế không tuân thủ các quy trình, quy định trong sản xuất, mua bán làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, đến việc điều trị và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Do đó, tại văn bản mới để đảm bảo công tác quản lý các hoạt động sản xuất, mua bán trang thiết bị y tế đúng quy định cũng như việc quản lý chất lượng sản phẩm an toàn khi đưa vào sử dụng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các địa phương rà soát lại danh sách các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực mua bán, sản xuất trang thiết bị y tế trên địa bàn để tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật và quản lý chất lượng các mặt hàng là trang thiết bị y tế; Không để xảy ra các trường hợp đơn vị sản xuất, mua bán trang thiết bị y tế trên địa bàn hoạt động không đúng quy định, không công bố đủ điều kiện sản xuất, mua bán và sản phẩm không có giấy phép, không có số đăng ký lưu hành sản phẩm.
Lãng phí lớn
Trước đó, theo báo cáo của kiểm toán chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 được công bố hồi tháng 5/2017, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện ra nhiều lãng phí lớn trong việc mua sắm thiết bị khám chữa bệnh.
Cụ thể, 11 tỉnh, thành phố, Kiểm toán Nhà nước phát hiện có tới 1.225 trang thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá hơn 371 tỷ đồng.
Trong đó, trang thiết bị hỏng không khắc phục được 649 thiết bị (hơn 68 tỷ đồng); trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị (hơn 151 tỷ đồng); trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị (hơn 151 tỷ đồng),...
Tại buổi công bố kết quả kiểm toán năm 2016 ngày 21/7/2017, đại diện Kiểm toán Nhà nước tái khẳng định việc quản lý sử dụng trang thiết bị y tế có tình trạng lãng phí dù mới chỉ kiểm toán chọn mẫu 15 bệnh viện.
Cũng theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về công tác đấu thầu, Bộ Y tế chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về đấu thầu trang thiết bị y tế.
Đặc biệt, công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập như chưa phân nhóm vật tư, hóa chất theo chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với loại dịch vụ y tế; chưa xây dựng bộ dữ liệu giá trúng thầu của các mặt hàng hóa chất, vật tư tiêu hao trong cả nước để cung cấp cho các cơ sở y tế căn cứ xây dựng giá kế hoạch.
Bên cạnh đó, việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất. Do đó, dẫn tới có vật tư có giá chênh nhau tới 6,7 lần.
Đơn cử như giá một cái kim cánh bướm tại Bệnh viện Việt Đức là 1.090 đồng, tại Bệnh viện Chợ Rẫy là 7.350 đồng; dây truyền huyết thanh tại Bệnh viện Bạch Mai là 3.675 đồng, trong khi tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức 18.000 đồng…Về hóa chất, có loại chênh nhau gấp 5,8 lần.
Ngay sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố những con số nói trên, Bộ Y tế đã vào cuộc rà soát lại các khâu, quy trình quản lý nhà nước về đầu tư, mua sắm, quản lý giá, quản lý và sử dụng tài sản và nghiêm túc xem xét, chỉ đạo chấn chỉnh các đơn vị có liên quan.
Tinh thần văn bản mới vừa ban hành cũng khẳng định xử phạt các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động này và công kha trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Dẫu thế, một băn khoăn không hề nhỏ cũng đang được đặt ra, chừng nào chưa xóa bỏ được độc quyền, quá trình lựa chọn nhà phân phối của các nhà sản xuất khi chỉ chọn 1 hoặc 2 nhà cung cấp cho trang thiết bị nào đó… thì lãng phí hoặc vi phạm trong mua bán trang thiết bị y tế còn khó kiểm soát.