Dù đang là thời điểm cuối mùa săn sam nhưng hiện nay nhiều ngư dân ở Vàm Láng, Tân Thành… (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) vẫn đánh bắt được khá nhiều loại hải sản giá trị này. Ngoài những nghề như lưới đáy, lưới kéo hay cào thì sam biển ở vùng Gò Công chủ yếu được các ngư dân đánh lưới giăng ở ven bờ.
Do đã hẹn từ trước, chúng tôi tới khu vực bờ kè biển Gò Công ở địa bàn xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) để theo anh Nguyễn Tiến Đạm, 51 tuổi, một người dân địa phương ra biển bắt sam. Ngày nay, sam biển không còn xa lạ với nhiều người, thậm chí đang là món ăn ưa thích của du khách khi tới du lịch ở nhiều nơi ven biển nhưng để bắt được loại hải sản tinh khôn này cũng là câu chuyện đầy khó khăn với những ngư dân.
Đi cùng chúng tôi còn có anh Duy Ba, 25 tuổi, một người cháu của anh Đạm để theo “học nghề” cũng là người điều khiển ghe luôn.
Từ khu vực này, anh Duy Ba lái chiếc ghe vỏ lãi đưa nhóm 3 người chúng tôi chạy ngược lên khu vực cảng Vàm Láng, gần với nơi sông Vàm Cỏ đổ ra phía biển. Khu vực cửa sông này bãi bồi lớn, có khi dài cả cây số đổ ra biển là ngư trường không thể tốt hơn với những người săn sam nơi đây.
Theo anh Đạm, ở khu vực cửa biển này anh đã đặt 7 tay lưới dài chừng hơn trăm mét để bắt sam. Mỗi ngày sẽ gỡ lưới 2 lần, là lúc thủy triều lên.
“Sam là loại động vật biển bò sát chứ không phải cá. Vì thế, để chúng dính lưới thì phải ghì sát lưới xuống mặt đất. Ở đây tôi có 2 loại lưới để bẫy sam biển.
Bên phía kia là 4 tay lưới vụn. Lưới vụn là lưới mà mấy ghe lớn làm nghề xa họ đánh bắt một thời gian bị rách nát, không sử dụng được nữa thì mình mua giá rẻ lại rồi cắt ra, ráp lại. Lưới vụn không bắt được cá mực mà chỉ bắt được sam thôi. Vì sam có thân hình khá lớn, có chân dài, có mũi đinh nên khi chạm vào lưới vụn là chúng bị mắc lại.
Ngoài lưới vụn thì bên này tôi có đặt thêm 3 tay lưới vuông. Lưới vuông thì mắc tiền hơn, có cả khung bên ngoài nên có thể bắt được cả sam biển lẫn tôm, cua và bạch tuộc.
Cũng như lưới vụn, sam di chuyển chạm vào lưới vuông cũng sẽ bị mắc lại. Nhưng lưới vuông bên này còn có thêm cửa để khi thủy triền lên xuống thì mực và tôm biển, cá nhỏ cũng có thể chui vào. Cái này để mình có thêm thu nhập chứ riêng sam biển thì đâu đủ sống”, anh Đạm chia sẻ chân thành.
Ngồi trên ghe cùng anh, nhìn bàn tay thoăn thoắt của người dân đang lặng lẽ nhấc những đoạn lưới lên khỏi mặt nước rồi hạ xuống liên tục. Khi nào thấy lưới nặng nặng tay, có rung rung nhè nhẹ là anh biết có sam biển dính lưới, đang quẫy đạp tìm đường thoát. Nhưng thường càng quẫy đạp thì sam lại càng dính chặt vào lưới hơn.
Lúc này, anh Đạm giật mạnh tay lưới để sam rớt vào chiếc thùng xốp đã chuẩn bị sẵn trong ghe. Sau đó anh lại đặt lưới xuống như cũ. Tới chỗ nào có cây cọc tre để ghim đầu lưới, anh cẩn thận lấy tay lay lay cái cọc tre để kiểm tra độ chắc chắn của nó rồi lại đẩy ghe tiếp tục công việc.
“Bây giờ sam biển bán được tiền lắm nhưng ở đây ít người làm nghề này. Tôi giờ cũng lớn tuổi rồi, đi làm thuê cho ghe cào, ghe đáy thì không còn sức, mà mua ghe riêng thì không đủ tiền nên chủ yếu săn bắt ven bờ kiếm sống thôi.
Nhưng giờ đang cuối mùa sam rồi, con nào cũng lớn và nhiều trứng, bán giá cao nhưng lại ít. Có ngày chỉ kiếm được hai chục con thôi. Tầm này tháng sau là hết sam rồi, chỉ những ghe ngoài xa mới bắt được sam. Mà sam cũng gầy lắm, ăn không ngon. Có khi bắt được người ta cũng thả sam lại xuống biển đợi chúng tụ trứng mới bắt”, anh Đạm kể thêm.
Công việc của anh Đạm chỉ diễn ra tại thời điểm con nước triều dâng lên, ở khu vực này là khoảng giữa trưa và lúc đêm tối. Đó là nguyên nhân anh đưa thêm người cháu là Duy Ba đi biển cùng để đề phòng bất trắc.
“Ở đây mỗi ngày thủy triều lên xuống hai lần. Lúc triều lên thì khu vực này chìm trong nước, lúc xuống thì cạn trơ chỉ còn bùn nhão thôi. Khi triều lên thì sam biển cùng cua, tôm và cả bạch tuộc cũng theo vào vùng ven bờ kiếm ăn. Và đó là lúc chúng bị những người săn bắt giăng lưới chờ sẵn”, anh Đạm cười cười bảo.
Do thủy triều lên và xuống liên tục, những người ngư dân mưu sinh nhờ nghề biển thường phải canh đúng thời điểm để đi gỡ lưới. Đó là lúc con nước lên cao nhất và bắt đầu rút đi. Những loại hải sản theo dòng nước triều di chuyển vào gần bờ và sẽ lại di chuyển ra xa bờ. Khi nước rút chính là thời điểm vàng để những ngư dân bắt đầu gỡ lưới bởi nếu quá giờ, nước xuống thì phải lội bùn rất khó khăn.
Mặc dù nhiều người biết tới câu tục ngữ “dính như sam” nhưng thực tế không phải lúc nào sam cũng dính vào nhau. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đánh bắt sam lâu năm thì anh Đạm bảo sam thường đi theo đàn và theo cặp mùa sinh sản. Trong đó sam cái lớn hơn, trọng lượng thường gấp đôi sam đực.
Thậm chí ở nhiều thời điểm trong Nam, bắt được sam đực dính lưới ngư dân cũng bỏ lại biển bởi chúng ít có giá trị kinh tế do sam không có nhiều thịt. Sam chỉ thực sự đáng giá là sam cái với phần trứng thơm ngon. Ngoài ra, sam đực loại lớn ngày nay được sử dụng vì máu của sam bổ dưỡng.
Trong khi đó, dù sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển Gò Công nhưng anh Duy Ba lại không theo nghề biển như nhiều thanh niên khác.
“Em được ba mẹ cho lên TPHCM học nghề nấu ăn mấy năm trước. Học xong em cũng làm đầu bếp cho nhà hàng ở trên Bình Chánh nhưng hai năm gần đây chủ họ phá sản, em đi xin làm mấy nơi mà lương thấp, công việc bấp bênh nên về nhà phụ ba mẹ làm nghề khô. Thời gian rảnh em theo chú ra biển gỡ lưới, cũng là biết thêm về nghề biển của người dân quê mình. Nghề biển vất vả nhưng nếu kiên trì thì cũng dễ sống thôi”, Duy Ba cười cho biết.
Ngoài việc phụ giúp chạy ghe, gỡ lưới thì Duy Ba còn sử dụng điện thoại ghi lại những video, clip về cuộc sống nghề biển của hai chú cháu và sau hơn nửa năm đã có hơn 30.000 người theo dõi trên mạng xã hội. Đó cũng là động lực để chàng trai trẻ tiếp tục gắn bó với nghề biển nơi đây.
Sam không chỉ xuất hiện ở vùng biển Gò Công mà gần như có ở hầu hết các vùng biển khác ven biển miền Tây Nam Bộ, chủ yếu là các khu vực cửa sông đổ ra biển, khu vực bãi bồi. Đặc biệt, ngoài một số ít người chuyên đánh bắt sam như anh Đạm, anh Duy Ba thì sam cũng được ngư dân nghề đáy, nghề lưới cào, kéo… đánh bắt được. Với những nghề lưới này, ngư dân có thể đánh bắt hầu hết các loại hải sản, trong đó có sam biển.
Sau đó ngư dân sẽ phân loại từng hải sản để bán riêng mỗi loại. Được biết, hiện đang là thời điểm sam tụ trứng và trọng lượng khá lớn. “Sam trứng giờ trọng lượng gần cả ký lô. Sam đực cũng cả ký lô một cặp rồi. Mỗi con sam trứng tôi bán 40.000 đồng ở ngay tại cảng, sam đực chỉ bằng phân nửa mà thôi.
Mỗi ngày chú cháu tôi gỡ được khoảng 20-30 cặp, hồi tết là rộ mùa có lúc tới 50-60 cặp sam là thường. Ngày xưa chỉ sam trứng mới bán được giá thôi còn bây giờ sam đực bán cũng có tiền bởi nghe nói máu sam rất bổ dưỡng nữa. Sam chỉ có trứng là ăn ngon chứ chúng không có thịt như nhiều loại thủy sản khác. Sau lớp mai cứng chỉ còn rất ít phần thịt sam mà thôi”, anh Ba cho biết thêm.
Chỉ khoảng gần một giờ đồng hồ là hai ngư dân đã gỡ xong 7 tay lưới, với thành quả là khoảng 20 chú sam khá lớn, to như chiếc là bàng có màu xám đất. Ngoài ra còn có thêm một ít tôm và hai con cua biển cũng bị dính lưới. Bởi đã quen biết từ trước, anh Đạm nhấc điện thoại gọi cho thương lái trong khi anh Duy Ba nổ chiếc máy đuôi tôm, quay ghe hướng về phía cảng Vàm Láng để đưa sam cho bạn hàng, chuẩn bị kết thúc một ca làm việc.
Bây giờ trời đã quá trưa, những ngư dân có thời gian gần nửa ngày nghỉ ngơi trước khi chạy ghe trở lại gỡ lưới lúc giữa đêm, khi con triều kế tiếp bắt đầu rút đi.
Cứ thế, cuộc sống của họ lặp đi lặp lại nơi bãi bồi ven biển này. Chỉ khác một chút là nếu mùa sam qua đi, họ sẽ tìm cách đánh bắt những loại thủy sản khác như bạch tuộc, tôm biển hay cá thòi lòi… cho tới mùa sam biển tiếp theo.