Những ngày cuối năm, thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ngày càng nhộn nhịp, dồi dào hàng hóa, bảo đảm nguồn cung dù ảnh hưởng của dịch bệnh. Thời điểm này, các địa phương cũng đưa ra nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, dịch bệnh ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu và nhu cầu mua sắm, dẫn tới sức mua giảm. Các chuyên gia cũng cảnh báo nhiều đối tượng sẽ tiếp tục sử dụng những chiêu trò để lừa đảo người tiêu dùng khi mua sắm qua mạng vào dịp lễ, Tết đang diễn ra.
Sức mua giảm nhiệt
Cuối năm là thời điểm nhiều chương trình, hoạt động kích cầu người tiêu dùng được triển khai. Thời điểm này, tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống đang hoạt động nhộn nhịp trở lại với trạng thái “bình thường mới”.
Nhiều chương trình khuyến mại, hàng nghìn mặt hàng được các siêu thị lớn giảm giá sâu như: chuỗi siêu thị VinMart/VinMart+; hệ thống đại siêu thị GO!/Big C trên toàn quốc; hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food…
Để bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tới gần, theo Bộ Công Thương, cơ quan này đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chủ động rà soát cung-cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng.
Đặc biệt, tất cả các đơn vị đều chuẩn bị cho phương án cung ứng hàng hóa trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhằm mục tiêu cao nhất không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa đến tay người dân.
Dù thị trường Tết đang nhộn nhịp, dồi dào hàng hóa, bảo đảm nguồn cung nhưng ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến tâm lý người tiêu dùng cũng khác đi. So với mọi năm, dịp nghỉ Tết Dương lịch 2022, sức mua của người dân tại các siêu thị giảm nhiệt hơn.
Chị Vũ Diệu Thùy (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà tôi có thói quen đến các trung tâm thương mại hay siêu thị để tham khảo giá cả, tình hình hàng hóa vào dịp nghỉ Tết Dương lịch. Nhưng năm nay, một phần do dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, một phần thắt chặt chi tiêu nên gia đình tôi từ bỏ thói quen này, thay vào đó mua sắm tại gia qua mạng những đồ phù hợp với điều kiện gia đình”.
Tương tự, chị Nguyễn Minh Hương (quận Ba Đình, Hà Nội) cho hay, năm nay, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh tế gia đình chị gặp khó khăn hơn. Tâm lý mua sắm Tết của chị cũng vì vậy mà ảnh hưởng theo. Chị hạn chế mua những mặt hàng không cần thiết, cũng không mua đồ tích trữ như mọi năm.
Cẩn trọng với các chiêu trò
Nhận định về xu hướng tiêu dùng dịp cuối năm, theo Bộ Công thương, trong năm 2021, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới nhiều hoạt động kinh tế, thương mại và dịch vụ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất, nhiều lao động mất việc làm, thu nhập của người dân nhìn chung đều giảm.
Vì vật, sức mua trong các tháng cuối năm nay sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Bên cạnh đó, sau đợt dịch vừa qua, phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi từ trực tiếp theo phương thức truyền thống sang trực tuyến nhằm tránh đến những nơi đông người, giảm nguy cơ dịch bệnh.
Ghi nhận cho thấy, trong khi các trung tâm thương mại, cửa hàng vắng vẻ vì dịch bệnh thì không khí trên các sàn thương mại điện tử, các website bán hàng trực tuyến đang rất nhộn nhịp. Mùa lễ hội cuối năm, người tiêu dùng đổ dồn, săn sale, những sản phẩm có giá ưu đãi trên các trang thương mại điện tử.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là thời điểm mà nhiều đối tượng tiếp tục sử dụng những chiêu trò, lợi dụng sơ hở của người tiêu dùng khi mua sắm qua mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Minh Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoài Đức cho biết, tỷ lệ người dân mua sắm trực tuyến ở Việt Nam 2 năm trở lại đây có xu hướng tăng mạnh. Tuy nhiên, những vấn đề về khiếu nại, phản ánh từ người tiêu dùng đa phần cũng liên quan tới hoạt động mua hàng trực tuyến.
Lợi dụng nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao, một số shop online, trang thương mại điện tử trộn hàng, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không giống như quảng cáo; đẩy bán hàng tồn kho, cận hạn sử dụng; tung ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mại nhưng chất lượng hàng không đúng như cam kết. Thậm chí có không ít người mất tiền oan vì chuyển tiền trước cho người bán mà không nhận được hàng. Đây cũng là một trong những chiêu lừa bán hàng qua mạng phổ biến hiện nay.
Để tránh “sập bẫy” trước các chiêu trò của các đối tượng, bà Thúy khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua hàng tại những siêu thị, cửa hàng có uy tín; đừng mua hàng vì ham rẻ mà hãy tìm hiểu kỹ sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ điều kiện và điều khoản bảo hành, phương thức trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận sản phẩm... trước khi quyết định mua.
“Người tiêu dùng nên cài đặt các công cụ check mã vạch để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, hàng chính hãng”, bà Thúy cho hay.