Sau trận mưa nặng hạt ngày 2/2 (tức ngày 6 tết Nguyên Đán) trên diện rộng khiến diện tích lúa Đông Xuân nhiều tỉnh thành khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nơi ảnh hưởng trên 25% diện tích lúa…
Bốn công lúa 5451 của anh Thái Thanh Hoài bị mưa làm đổ sập trên 25%.
Địa phận TP Cần Thơ đoạn quốc lộ 91B nhiều diện tích lúa Đông xuân của người dân đã hứng trọn trận mưa lớn cộng gió to khiến đổ nằm rạp xuống ruộng, nặng nhất vẫn là một số nơi ở quận Thốt Nốt, lúa Đông Xuân được hơn 90 ngày tuổi chỉ khoảng hơn nữa tháng nữa là thu hoạch bị nằm rạp xuống ruộng, có nguy cơ ngập úng.
Ông Nguyễn Văn Cưng ngụ tại Khu vực Tân Phước, phương Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết, gia đình ông trồng 5 công lúa Jasmine, trận mưa mới đây khiến cho hơn 25% diện tích lúa bị đổ rạp. Hiện gia đình ông đang khẩn trương bơm thoát nước khỏi ruộng để tránh ngập úng, tuy nhiên cũng bị thiệt hại ít nhiều.
Chạy dọc tuyến đường nối Cần Thơ - Vị Thanh (Hậu Giang) đoạn thuộc địa phận huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang do nằm ở khu vực đồng trống nên thiệt hại khá nặng, chủ yếu là lúa trổ bông gần thu hoạch khoảng 90 đến 95 ngày tuổi bị đổ sập khá nhiều, ước khoảng 20% diện tích, có những thửa ruộng lúa bị đổ sập khoảng 70%.
Anh Tạ Văn Ngân ấp 4 xã Tân Hoà đang tạo đường để thoát nước cho lúa tránh ngập úng.
Gặp anh Tạ Văn Ngân ấp 4 xã Tân Hoà, huyện Châu Thành A, đang đào đất để tạo đường nước để bơm thoát nước, anh Ngân cho biết: Hổm rày không hiểu sao thời tiết kỳ cục, mưa thất thường, lại mưa lớn người dân trở tay không kịp, lúa bị đổ nhiều nên qua nay tôi được người ta mướn nhiều để bơm nước ra khỏi ruộng lúa tránh bị ngập úng. Lúa này chỉ có cách là thoát nước ra để giảm thiệt hại chứ không thể dựng nó lên được nữa…
Hai hôm nay, anh Thái Thanh Hoài ở ấp 4 xã Tân Hoà phải tốn hơn 20 lít dầu để máy bơm rút nước từ 4 công lúa 5451 được 95 ngày tuổi. Dự tính khoảng 12 ngày nữa là thu hoạch nhưng trận mưa khiến 25% diện tích lúa của gia đình ảnh bị đổ rạp, một số bị ngập trong nước ảnh hưởng đến thu nhập...
Nhìn như những giọt mồ hôi của hạt lúa, khiến cho người dân thêm vất vả.
Cách đó không xa đi về hướng huyện Vị Thuỷ, một số bà con ở xã Vị Bình đang khẩn trương thu hoạch lúa Đông xuân, có một số hộ dân lúa còn vài ngày nữa mới thu hoạch nhưng do bị mưa đổ sập nên đã tranh thủ thu hoạch sớm để tránh thất thoát.
Ông Trịnh Tấn Sĩ, xã Vị Bình, huyện Vị Thuỷ cho biết, ông trồng lúa giống 50404 cũng gần đến ngày thu hoạch bị mưa đổ khá nhiều nên quyết định thu hoạch, hiện được khoảng 800 kg/công. Do mưa nên rất khó thu hoạch dẫn đến giá mướn máy gặt đập liên hợp cũng mắc hơn so với ngày thường 20 ngàn/công.
Mưa nhiều khiến người dân phải thu hoạch bằng cắt tay sớm hơn mấy ngày.
Trận mưa Xuân nặng hạt được người dân gọi là “mưa lạ” vì những năm qua khu vực ĐBSCL vốn mưa thuận gió hoà, theo đúng quy luật nay lại có những trận mưa thất thường. Tình trạng biến đối khí hậu đã tác động ngày một rõ rệt lên vùng ĐBSCL, giải thích cho hiện tượng này nhiều chuyên gia về biến đổi khí hậu cho rằng đó là hiện tượng La Nina yếu.
Chuyên gia độc lập về biến đổi khí hậu và sinh thái, Ths Nguyễn Hữu Thiện nhận định, những trận mưa trái mùa do ảnh hưởng của La Nina yếu còn sẽ tiếp tục xảy ra ở Nam bộ cho đến hết tháng 2/2017 trước khi thời tiết trở về trạng thái trung tính...