Mùa Xuân trong thơ Bác Hồ

TRẦN ĐỨC 15/01/2023 16:56

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường có thói quen làm thơ, nhất là những khi mùa xuân đến. Và thơ Xuân là một phần quan trọng làm nên chân dung thi ca của danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh.

Bức tranh "Bác Hồ đọc báo Cứu Quốc".

Không chỉ nhân dân Việt Nam biết đến tài thơ của Bác mà cả thế giới cũng phải công nhận một nhân cách phi thường ẩn sau những vần thơ tưởng như dung dị nhưng vô cùng uyên bác ấy. Không chỉ là gửi tình trong cảnh vật mùa xuân thơ mộng, không chỉ là những lời đơn thuần chúc Tết toàn dân, toàn quân mà trong đó, cái chí khí của một nhà lãnh đạo kiệt xuất luôn chói sáng.

Ngay từ mùa xuân năm 1946 - mùa xuân đầu tiên nước ta thoát ra khỏi chế độ thực dân nửa phong kiến, Bác đã sáng tác chùm thơ Xuân gồm 3 bài: "Chúc Tết Bính Tuất 1946", "Mừng báo Quốc gia", "Gửi chị em phụ nữ Xuân Bính Tuất". Đối với Người, mùa xuân năm 1946 mới thực sự là mùa xuân của kỷ nguyên mới:

Tết này mới thật Tết dân ta,

Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia

Độc lập đầy vơi ba cốc rượu,

Tự do vàng đỏ một rừng hoa.

Muôn nhà chào đón xuân dân chủ,

Cả nước vui chung phúc cộng hòa

(Mừng báo Quốc gia)

Sang mùa xuân Đinh Hợi 1947, trong căn nhà đơn sơ ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã viết bài thơ chúc mừng năm kháng chiến đầu tiên:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng

Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

Tết năm 1947 cũng là năm đầu tiên Bác Hồ đọc thơ chúc Tết. 22 giờ ngày 21/1/1947 (tức 30 tháng Chạp năm Bính Tuất), Hồ Chủ tịch từ nơi họp Hội đồng Chính phủ ở Phủ Quốc Oai (Sơn Tây) lên xe tới trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam đặt tại Chùa Trầm (huyện Chương Mỹ - Hà Đông) để đọc thư chúc Tết đồng bào, chiến sĩ. Theo GS Hà Minh Đức, đây là một trong những bài thơ chúc Tết hay nhất của Bác Hồ. Cả bài thơ là một áng hùng văn, một khúc ca chiến đấu và chiến thắng.

Đến mùa xuân năm 1948, trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chủ tịch đã có những vần thơ tuyệt tác về thiên nhiên hùng vĩ và hữu tình của mùa xuân nơi biên cương Tổ quốc:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên

Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên

Yên ba thâm xứ đàm quân sự

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền…

(Nguyên tiêu)

Đáng chú ý, bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác Hồ được in trang trọng trên báo Cứu Quốc vào Xuân 1948.

Người yêu thơ còn nhớ tới “Nguyên tiêu” qua bản dịch của Xuân Thủy: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”.

Đây là một kiệt tác được Bác Hồ viết theo lối thất ngôn tứ tuyệt mang đậm chất Đường thi. Đọc “Nguyên tiêu”, ta bắt gặp trong con người của vị lãnh tụ tài ba cốt cách của một “tao nhân mặc khách”. Giữa khung cảnh của thiên nhiên hùng vĩ và hữu tình ấy, sau khi luận bàn việc nước, Người vẫn không quên thi phú. Ánh trăng mùa xuân làm cho sông nước, mây trời cùng quyện vào trong cái mùa xuân vĩnh cửu của lòng thi nhân trước giang san gấm vóc. Nơi “yên ba thâm xứ”, thiên nhiên vẫn có mặt cùng Người để bàn việc quân việc nước, thật hào sảng biết bao… Có thể nói đây là một bức tranh tuyệt mỹ được dệt nên từ những vần thơ tuyệt tác của một hồn thơ sáng tựa trăng rằm.

Những năm sau này, khi đất nước đang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, những bài thơ xuân của Bác Hồ luôn có một vị trí đặc biệt trong lòng quân dân cả nước. Đó không chỉ là những bài thơ chúc Tết bình thường mà nó đã trở thành những lời hiệu triệu, kêu gọi, định hướng chiến lược, là những đúc kết đánh giá thắng lợi cho toàn quân toàn dân trong năm qua và đề ra những phương hướng chiến lược của năm mới.

Những bài thơ của Bác đã trở thành món quà tinh thần vô giá Người dành tặng cho đồng bào và chiến sĩ cả nước, nó đã trở thành truyền thống của dân tộc, vào giờ phút thiêng liêng giao thừa đã điểm, mọi người sum họp quanh chiếc đài bán dẫn nghe vị cha già của dân tộc đọc thơ chúc Tết. Đây là những lời động viên cổ vũ toàn dân vững bước trên con đường cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong lao động và chiến đấu để bảo vệ và dựng xây Tổ quốc. Những vần thơ trong bài “Mừng xuân 1967” đã đem đến cho toàn quân, toàn dân ta một luồng gió mới, khơi dậy khí thế, động viên tinh thần cho tất cả mọi người:

Xuân về xin có một bài ca,

Gửi chúc đồng bào cả nước ta.

Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,

Tin mừng thắng trận nở như hoa.

Rồi đến xuân 1968, cả miền Nam bừng bừng trong khí thế đồng khởi, tấn công vào các thành phố thị xã của địch đang chiếm đóng, giành quyền chủ động chiến lược, làm lung lay ý chí quân thù. Khi ấy, bài thơ “Mừng xuân 1968” của Bác như một hồi kèn xung trận, là hiệu lệnh để quân ta xông lên giáng vào kẻ thù những trận bão lửa. Có thể nói, vào thời khắc lịch sử ấy, giọng thơ Người vang trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng giống như là điểm hẹn, phút giây thiêng liêng đã điểm, hiệu lệnh cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân bắt đầu:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng lợi tin vui khắp nước nhà.

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.

Cũng vào mùa xuân năm ấy, khi tin thắng trận liên tiếp báo về, Bác đã có những vần thơ hào sảng về niềm vui chiến thắng. Chí khí của nhà lãnh đạo tài ba và kiệt xuất thể hiện rất rõ chỉ trong bốn câu thơ của bài “Không đề” mà Người làm hết sức ngẫu hứng, giống như khi người ta ghi chơi những tứ thơ đang chực trào ra trên trang giấy vậy:

Đã lâu không làm bài thơ nào

Đến nay thử làm xem ra sao

Lục mãi giấy tờ vần chửa thấy

Bỗng nghe vần "thắng" vút lên cao.

Những câu thơ này đã nhanh chóng lan tỏa và tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ gây xúc động sâu xa trong lòng người đọc, đồng thời khẳng định sự vững mạnh của quân và dân cả nước trong thời kỳ ấy. Bài thơ đã tiếp thêm sức mạnh cho những đoàn quân đang “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vượt qua biết bao gian nan thử thách của cuộc chiến tranh thần thánh.

Bước sang năm 1969, tuy sức khỏe của Bác đã có những giảm sút nghiêm trọng nhưng tinh thần Người vẫn tràn đầy lạc quan tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Đây cũng là mùa xuân cuối cùng Người ở lại với nhân dân, bài thơ Xuân năm 1969 vẫn thể hiện khát khao bỏng cháy ngày giải phóng dân tộc, quét sạch kẻ thù, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Lời thơ tha thiết hào hùng, lạc quan thúc giục lòng người đồng loạt tiến lên giành chiến thắng:

Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến ắt càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc - Nam sum họp, xuân nào vui hơn.

(Mừng xuân 1969)

Mặc dù mang lối viết hết sức giản dị, không cầu kỳ về hình thức thể hiện, lời thơ ngắn gọn súc tích nhưng những bài thơ Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn để lại ấn tượng không bao giờ phai trong lòng người dân đất Việt. Hơn nửa thế kỷ Bác đã đi xa nhưng những vần thơ ấy vẫn vọng vang trong ký ức dân tộc mỗi độ Tết đến xuân về.

Những bài thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh dù được Người viết trong thời điểm lịch sử nào cũng đem đến cho ta ấn tượng của sức mạnh và sự dịu dàng. Đó là tiếng lòng của một người đã dành trọn cuộc đời mình cho dân cho nước. Những vần thơ đó không chỉ phản chiếu tiến trình lịch sử của dân tộc, bình dị, gần gũi với tiếng nói của quần chúng nhân dân, mà còn đậm đà chất thép, như ánh lửa thức tỉnh tâm hồn, chứa chan tình yêu thương, truyền đến đồng bào, chiến sĩ cả nước con đường của hạnh phúc và hy vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa Xuân trong thơ Bác Hồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO