Cả đêm trực, nhân viên y tế chỉ nhận mức thù lao 115.000 đồng/ca; bác sĩ chính của ca mổ suốt 8 tiếng chỉ nhận phụ cấp 280.000 đồng; chế độ chính sách cho nhân viên y tế hiện đã lạc hậu, chậm thay đổi để phù hợp với thực tế.
Ca mổ suốt 8 tiếng chỉ nhận phụ cấp 280.000 đồng
Nói đến môi trường làm việc ở bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, hẳn nhiều người sẽ nghĩ nhân viên y tế ở đây có thu nhập tốt. Tuy nhiên trong 2 năm qua, có những nhân viên y tế chỉ thu nhập 5 triệu/tháng, thậm có những điều dưỡng phải bán hàng online mới có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh và nhiều yếu tố khác, với mức thu nhập thấp, đời sống của cán bộ, nhân viên y tế ở đây khá vất vả. Y bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai phải đi làm từ 5- 6 giờ sáng để kịp thăm khám cho người bệnh.
“Cả đêm trực chúng tôi chỉ được nhận mức thù lao khoảng 115.000 đồng/ca; vất vả, áp lực là vậy nhưng tất cả vẫn phải cố gắng. Nhiều y bác sĩ vừa qua ca trực suốt 24 giờ nhưng sáng hôm sau vẫn sẵn sàng đi chỉ đạo tuyến cho tuyến dưới. Chúng tôi rất mong có những quyết sách mới để việc đãi ngộ làm sao thu đúng, đủ, để nhân viên y tế có hệ số lương phù hợp, đời sống ổn định để yên tâm làm việc, không có sự di chuyển công việc”, bà Đoàn Thu Trà, Chủ tịch công đoàn Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Cũng chia sẻ về những khó khăn của cán bộ y tế hiện nay, BS. Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thẳng thắn: “Hiện đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt, mức phụ cấp cho nhân viên y tế trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực. Chưa kể, mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt chỉ là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính. Trong khi đó, một ca mổ đặc biệt thường kéo dài từ 4 - 6 tiếng đồng hồ, thậm chí có ca hơn 8 tiếng vẫn có mức phụ cấp như vậy. Con số này thật sự không tương xứng với sức lao động của người bác sĩ".
Theo BS. Nguyễn Tri Thức, chế độ chính sách cho nhân viên y tế hiện nay chưa phù hợp, lạc hậu, chậm thay đổi để phù hợp với thực tế hiện nay. Đơn cử như, phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật được thực hiện theo Quyết định 73 đã hơn 10 năm, đến nay vẫn chưa thay đổi; mức chi phụ cấp này đã không còn phù hợp.
Trước những khó khăn đó, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng thừa nhận: Hiện chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế; chưa tương xứng nếu so sánh với quá trình đào tạo và với các ngành, lĩnh vực khác. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ y tế khu vực công lập nghỉ việc, bỏ việc thời gian vừa qua.
Theo đó, chúng ta chưa có chính sách hỗ trợ thích hợp với học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe (các chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt...) để thu hút học viên, sinh viên giỏi vào học các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, tạo điều kiện thuận lợi khi học xong được phục vụ đúng ngành, chuyên ngành đào tạo trong hệ thống y tế. Trong khi đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".
Cần thiết điều chỉnh mức phụ cấp
Theo BS. Nguyễn Tri Thức, việc điều chỉnh các mức phụ cấp cho người lao động của ngành Y tế theo hướng tăng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay là rất cần thiết.
Để tăng đã ngộ đối với cán bộ y tế, theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế cũng đã đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Đồng thời, thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế; chức danh Bác sĩ, Bác sĩ Y học dự phòng, Dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh. Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản.
Bộ Y tế cũng đề xuất có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Trước đó Công đoàn Y tế Việt Nam cũng có đề xuất sớm nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40% - 70% lên mức 100% để thu hút nhân lực y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.
Theo PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, Công đoàn đã đề xuất Đảng, Chính phủ cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế. Người bệnh tham gia bảo hiểm y tế sẽ được cung cấp đầy đủ thuốc trang thiết bị để nâng cao chất lương. Bệnh viện được tính đủ sẽ có kinh phí đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho thầy thuốc để yên tâm công tác.
Bên cạnh đó, để khắc phục những ảnh hưởng của dịch COVID-19 và kịp thời động viên khích lệ cán bộ y tế, Công đoàn Y tế cũng đề nghị Chính phủ cấp kinh phí để hỗ trợ cho cán bộ, viên chức ngành y tế. Cụ thể, mỗi người 1 tháng lương hiện hưởng theo ngạch bậc hiện nay, hoặc hỗ trợ với mức 1- 2 lần mức lương cơ sở hiện nay.
Đồng thời, đề xuất xem xét nâng lương khởi điểm bậc 2 đối với bác sĩ mới ra trường để thu hút nguồn đầu vào, xem xét chế độ thâm niên nghề của ngành y tế như đối với ngành giáo dục.
Về lâu dài, Công đoàn Y tế cũng kiến nghị Chính phủ nâng lương cán bộ y tế bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng lực lượng vũ trang, quy định cụ thể về các biện pháp bảo vệ nhân viên y tế, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm bạo hành nhân viên y tế…