Các nhà khoa học sẽ khoan thăm dò trung tâm đảo Surtsey hình thành cách đây 50 năm từ một vụ phun trào núi lửa ở Scotland.
Các nhà khoa học sẽ khoan sâu vào lòng đảo Surtsey.
Các nhà địa chất học và sinh vật học sẽ tiến hành khảo sát bằng khoan địa chất trên Surtsey, một trong những hòn đảo nhỏ nhất thế giới, được hình thành từ một loạt vụ phun trào núi lửa ngoài khơi bờ biển phía tây nam Iceland từ năm 1963 đến năm 1967, theo Nature.
Tháng tới, nhóm nghiên cứu dự định khoan hai lỗ vào tâm của Surtsey để tìm hiểu nhiệt độ của đá núi lửa, độ lạnh của nước biển và các vi khuẩn dưới đất tương tác như thế nào.
Đây sẽ là quan sát chi tiết nhất về một hòn đảo mới hình thành trên đại dương. "Surtsey là cách tốt nhất để chúng tôi có được bức tranh chi tiết về hoạt động núi lửa ngày nay và tìm hiểu các hòn đảo bắt đầu hình thành trên đại dương như thế nào", Magnús Guðmundsson, nhà nghiên cứu núi lửa ở Đại học Ireland tại Reykjavik, cho biết.
Thông qua nghiên cứu Surtsey, các nhà khoa học có thể tìm hiểu thêm về những loài vi khuẩn sống trên đá, lấy năng lượng từ khoáng chất và chất lỏng có nhiệt độ cao. "Nếu có thể giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ tới gần hơn nữa câu trả lời về vai trò của tầng sinh quyển sâu trong việc duy trì và định hình môi trường ngày nay", Steffen Jørgensen, nhà địa chất học tại Đại học Bergen, Na Uy, chia sẻ.
Một trong hai lỗ khoan này sẽ song song với lỗ khoan sâu 181 mét được thực hiện vào năm 1979, cho phép các nhà nghiên cứu so sánh sự thay đổi của quần thể vi sinh vật theo thời gian. Lỗ thứ hai sẽ được khoan xiên, giúp tìm hiểu các dòng nước nóng chảy qua mạng lưới vết nứt trong miệng núi lửa phun trào tạo nên Surtsey. Nếu mọi việc suôn sẻ, cả hai lỗ khoan sẽ xuyên qua đáy vùng biển sâu 190 mét trước khi đảo Surtsey hình thành.
Vào ngày 28/7, lực lượng bảo vệ bờ biển của Iceland sẽ di chuyển 60 tấn thiết bị khoan và vật tư khác tới Surtsey bằng cách huy động 100 chuyến bay trực thăng. "Đây là hoạt động hậu cần phức tạp nhất mà tôi đã tham gia. Các quy định nghiêm ngặt về môi trường đòi hỏi phải loại bỏ tất cả rác thải ra khỏi hòn đảo", Guðmundsson nói.
Chỉ có 12 người sẽ được phép ở trên Surtsey tại bất kỳ thời điểm nào, ngay cả khi hoạt động khoan tiến hành 24/24. Những người khác sẽ ở lại hòn đảo Heimæy lân cận, nơi một nhà kho sẽ tạm thời được dùng làm phòng thí nghiệm phân tích lõi.
Sau khi khoan lỗ mới, các kỹ sư sẽ bố trí năm buồng ủ ở các độ sâu khác nhau. Chúng sẽ được giữ tại đó trong một năm trước khi được lấy ra để các nhà nghiên cứu có thể xác định được sinh vật nào đang định cư. Theo Marteinsson, việc giám sát vi khuẩn sẽ cung cấp cho các nhà khoa học một cơ hội chưa từng có để nghiên cứu xem tầng sinh quyển sâu phát triển như thế nào theo không gian và thời gian.
Với diện tích 1,3 km2, Surtsey là phòng thí nghiệm tự nhiên cho các nhà nghiên cứu khám phá sự tiến hóa sinh học của các hòn đảo mới hình thành, khi các loài cây và chim chóc bắt đầu xuất hiện.