Trong số 15 chỉ tiêu Quốc hội giao, duy nhất chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội không đạt. Trong khi đây là chỉ tiêu quan trọng phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đưa công nghệ mới ở nhiều khâu, chuỗi giá trị.
PV: Tăng năng suất lao động là chỉ tiêu duy nhất chúng ta không đạt được trong năm 2022. Đây cũng là vấn đề kéo dài nhiều năm. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?
GS.TS Hoàng Văn Cường: Năng suất lao động vừa là một chỉ tiêu, vừa là một nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển. Bởi năng suất là phần tổng giá trị GDP/lực lượng lao động. Năng suất lao động tăng, đương nhiên tăng trưởng kinh tế sẽ tăng. Ở Việt Nam, muốn tăng năng suất lao động không có nghĩa bắt buộc người lao động làm việc tích cực, nhiều hơn. Bởi năng suất của chúng ta thấp không phải do hiệu suất của từng người lao động thấp. Thực tế người Việt Nam rất chịu khó, tích cực.
Tuy nhiên năng suất lao động ở nước ta thấp là do phần giá trị mới tạo ra trong lao động không cao. Đặc biệt chúng ta đang nằm ở khu vực sản xuất gia công là chính. Một công nhân ngành may mặc, làm việc quần quật từ sáng đến tối. May một cái áo xong, bán được 100 đồng thì phần trả công người lao động chỉ là 10 đồng, còn 90 đồng là khâu của người khác. Cho nên có làm việc tích cực hơn nữa, chúng ta chỉ tăng thêm 1 đồng, trong khi các khu vực khác tăng rất nhiều. Vì vậy tăng năng suất lao động là phải thay đổi căn bản mô hình sản xuất. Tức là phải chuyển từ khâu sản xuất giá trị thấp sang khâu sản xuất giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, việc thay đổi này lớn nên tăng năng suất lao động không thể đòi hỏi trong ngày một, ngày hai được. Nó phụ thuộc vào việc thay đổi, tái cấu trúc nền kinh tế do đó cần phải có một quá trình.
Theo ông, cần có giải pháp ra sao để cải thiện năng suất lao động?
- Phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Phải đưa công nghệ mới vào sản xuất, và bản thân người lao động phải có trình độ, đứng được ở nhiều khâu trong chuỗi sản xuất chứ không chỉ đứng được ở mỗi khâu gia công. Nói một cách cụ thể, người lao động phải đứng được ở toàn chuỗi giá trị, từ khâu hình thành sản phẩm cho đến khâu thiết kế ra sản phẩm, sản xuất sản phẩm, đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Chiếm lĩnh trong toàn chuỗi cung ứng, chúng ta mới có thể tăng được năng suất lao động.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, khi đề cập đến tăng năng suất lao động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có nói đến “phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và vấn đề lương”. Hiện nay cũng đang có hai luồng ý kiến đó là tăng lương để tăng năng suất và ngược lại là tăng năng suất mới có tiền để trả lương. Vậy chúng ta cần giải pháp nào, thưa ông?
- Năng suất lao động vừa là nhân tố, vừa là kết quả. Nếu trình độ lao động thấp, anh không thể đạt đến những khâu sản xuất có giá trị gia tăng cao. Còn nếu có trình độ lao động cao, anh có thể làm ở những khâu có giá trị cao. Cho nên cần tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Đấy là một trong những yếu tố để chúng ta vươn đến các giá trị cao hơn. Và tất nhiên tiền lương cũng sẽ tác động đến những yếu tố đó. Lương cao, họ mới chuyên tâm vào nâng cao trình độ. Do đó cần tiến hành đồng thời cả hai vấn đề.
Vấn đề này cần được nguồn lực đầu tư rất thỏa đáng từ giáo dục cho đến khoa học công nghệ. Bởi thời gian qua chúng ta tăng trưởng vẫn dựa vào vốn và lao động còn đóng góp của năng suất lao động trong yếu tố tổng hợp vẫn chưa cao, thưa ông?
- Đúng vậy. Bây giờ muốn tái cấu trúc chúng ta phải dựa vào đổi mới sáng tạo, kỹ thuật mới. Ứng dụng cái mới, chúng ta phải đầu tư rất nhiều chứ không thể đầu tư vào cái sẵn có. Dù đó là mạo hiểm, song phải mạo hiểm mới tạo ra được cái mới. Rõ ràng nguồn ngân sách đầu tư phải nhiều. Nhưng nếu đầu tư vào chỗ mạo hiểm, song người lao động chưa sẵn sàng tham gia vào lĩnh vực mới thì chúng ta cũng không thể có được sự thay đổi về năng suất. Cho nên phải đồng thời, đồng bộ trong đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư vào con người, và đầu tư vào những yếu tố mới để khi đó, nhân lực của chúng ta có thể bước vào đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới.
Thưa ông, năng suất lao động cũng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Chúng ta có nên chọn một vài lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn như công nghệ thông tin hay một vài lĩnh vực trọng điểm thay vì mô hình sản xuất truyền thống?
- Cần phải nhìn xem lĩnh vực nào đầu tư mới được thì đầu tư khác đi để đưa kỹ thuật mới, công nghệ mới vào lĩnh vực đó. Chúng ta làm chủ được quá trình đó sẽ tăng được hiệu quả lên. Ví dụ, trong sản xuất nông nghiệp, trồng lúa, trước kia chúng ta sản xuất chỉ dựa vào “con trâu đi trước cái cày theo sau”, sử dụng các công cụ thủ công thì trăm người mới tạo ra được 1 tấn lúa. Nhưng bây giờ nếu sử dụng các máy móc, thiết bị công nghệ mới, một người lao động có thể sản xuất hàng trăm tấn lúa và còn đảm bảo được các điều kiện về chăm sóc, phun thuốc, bảo quản thực vật. Chất lượng tốt, giá trị sản phẩm bán ra sẽ cao hơn. Rõ ràng, ứng dụng công nghệ vào sản xuất sẽ tạo giá trị mới tăng cao hơn so với trước đây.
Nhiều lĩnh vực chúng ta phải thay đổi nhưng đặc biệt Việt Nam đang rất muốn phải có đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bây giờ một trong những lĩnh vực có thể thay đổi được cấu trúc là những lĩnh vực có thể ứng dụng 4.0. Đơn cử hiện nay trong giao dịch thương mại điện tử, nếu không đầu tư để phát triển các kênh thương mại điện tử thì chúng ta sẽ mất đi toàn bộ phần giá trị đó cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu chúng ta đầu tư vào công nghệ, có sàn thương mại và quản lý vận hành được sàn đó thì toàn bộ cái giá trị tăng lên đấy sẽ thuộc về ta. Nói như vậy để thấy, đầu tư vào những lĩnh vực mới là rất quan trọng.
Trân trọng cảm ơn ông!