Bảo tàng MTTQ Việt Nam ra đời là sự kiện hết sức có ý nghĩa, là niềm vui chung của những người làm công tác Mặt trận và của đất nước khi Mặt trận trải qua lịch sử hình thành và phát triển 90 năm vẻ vang.
Tuy vậy, việc tuổi đời còn khiêm tốn so với nhiều bảo tàng trên cả nước đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc hoàn thiện và duy trì hoạt động lưu giữ, trưng bày những giá trị lịch sử hào hùng của Mặt trận.
Là người đồng hành cùng Mặt trận theo năm tháng với nhiều đóng góp từ các công trình nghiên cứu, khoa học, PGS.TS Trần Hậu cho rằng, điểm nổi trội của Bảo tàng Mặt trận là tính tổng hợp rất cao. Tính tổng hợp cao của Bảo tàng Mặt trận được quyết định bởi tính chất của tổ chức Mặt trận. Vì thế, Bảo tàng Mặt trận cần có thiết kế xây dựng phù hợp. Khi đã tạo được sự gần gũi, Bảo tàng Mặt trận sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút khách tham quan.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động bảo tàng ở Việt Nam nói chung đang đối diện với nhiều vấn đề. Bên cạnh một số ít bảo tàng hoạt động hiệu quả, thu hút khách tham quan thì nhiều bảo tàng vẫn đang trong tình trạng mờ nhạt, ít khách tham quan.
Theo thống kê, cả nước hiện có gần 200 bảo tàng đang hoạt động, trung bình mỗi địa phương có tới 3 bảo tàng. Tuy nhiều về số lượng, song việc vận hành các bảo tàng này đang bộc lộ không ít điều bất cập: Nghèo nàn về tư liệu, nội dung có sự tương đồng, trùng lắp, hình thức trưng bày không đa dạng, thông tin sơ sài, chậm ứng dụng công nghệ mới, đội ngũ thuyết minh non yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, nội dung thuyết minh kém hấp dẫn... Do vậy, để thực sự trở thành một điểm tham quan hấp dẫn là một bài toán khó đặt ra cho tương lai của Bảo tàng MTTQ Việt Nam.
Không có khách tham quan, bảo tàng sẽ không phát huy được giá trị của mình. Trước thách thức đó, một trong những giải pháp để thay đổi diện mạo của Bảo tàng MTTQ Việt Nam là ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng và phát triển bảo tàng.
Theo TS Tạ Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ tân tiến đang là xu hướng tất yếu của các bảo tàng hiện đại, là cách làm “thoáng” và mới hơn từ việc sử dụng các vật liệu trưng bày đến công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa vào các khâu hoạt động của bảo tàng.
Để làm được điều này, đòi hỏi đội ngũ quản lý, nhân viên của Bảo tàng Mặt trận cần có sự tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều bảo tàng trong và ngoài nước, đặc biệt là những bảo tàng mới xây dựng gần đây để có được một mô hình phù hợp.
Nhìn chung, chủ động thay đổi tư duy, hướng tới mục tiêu phục vụ lợi ích cộng đồng sẽ là yếu tố quan trọng giúp các bảo tàng nói chung và Bảo tàng MTTQ Việt Nam nói riêng chấm dứt tình trạng đìu hiu, vắng khách như hiện nay.
Trong tương lai không xa, Bảo tàng MTTQ Việt Nam sẽ hướng tới một cơ sở vật chất đảm bảo đúng chức năng, hoạt động của mình như nhà trưng bày chính, phòng trưng bày chuyên đề, khu trưng bày ngoài trời,... lưu giữ những hiện vật sống mãi với thời gian, ghi dấu mãi trong lòng người dân.