Muốn vượt thì phải đi trước và đi nhanh hơn

Thanh Tùng (thực hiện) 01/05/2022 07:56

Đà Nẵng cùng các địa phương miền Trung - Tây Nguyên đang cùng tăng tốc để phục hồi nhanh hoạt động du lịch sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Phạm Văn Thủy.

Khu Du lịch Bà Nà đông khách trở lại sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19.

PV: Dù mới chính thức mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3 sau hơn 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19 nhưng bức tranh du lịch cả nước đã có gam màu tươi sáng hơn. Đà Nẵng cũng như các địa phương miền Trung - Tây Nguyên cần làm gì và ở đâu trong bức tranh toàn cảnh phục hồi du lịch Việt Nam sau thời điểm mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3 theo quyết định của Chính phủ, thưa ông?

Ông Phạm Văn Thủy.

Ông Phạm Văn Thủy: Du lịch Đà Nẵng và các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần chú trọng phát triển các sản phẩm mới và đổi mới sản phẩm hiện tại cho phù hợp với thị trường và thị hiếu thay đổi sau dịch Covid-19. Các sản phẩm dành cho khách du lịch (cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch cuối tuần dành cho gia đình) cần có điểm đến gần trung tâm thành phố để khách dễ dàng tiếp cận.

Nội dung này nhiều năm nay Đà Nẵng đã làm rất tốt nhưng cũng cần tiếp tục đổi mới cho phù hợp. Khi đại dịch Covid-19 chấm dứt thì điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu của khách du lịch cũng có sự thay đổi. Muốn như thế chúng ta phải làm tốt, phải xây dựng được thương hiệu của ngành du lịch, thương hiệu của du lịch Đà Nẵng để khách lựa chọn đến với Đà Nẵng lần thứ nhất và muốn quay lại lần thứ hai.

Sản phẩm du lịch phải đáp ứng được tiêu chí, chi tiêu của du khách, bao gồm cả quà tặng cho người thân sau chuyến du lịch!

Đà Nẵng với lợi thế nổi trội về biển, cảng biển, hàng không, đường sắt, đường Hồ Chí Minh đi qua…, ngoài liên kết với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì phải tính đến phương án liên kết vùng và các khu vực nội khối của miền Trung - Tây Nguyên, kích cầu và kết nối lưu thông, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

Vấn đề nữa đó là cần đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, xúc tiến quảng bá, số hóa tất cả các điểm đến, cơ sở lưu trú, và cả những lao động, nhân lực trong lĩnh vực du lịch để khách dễ dàng lựa chọn nhanh điểm đến tại Đà Nẵng cũng như các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Có thể thấy rằng Du lịch Đà Nẵng nói riêng và du lịch miền Trung - Tây Nguyên “đang cùng tăng tốc trên một đoàn tàu”. Hiểu nội dung này như thế nào, thưa ông?

- Đại dịch Covid-19 làm cho tất cả cơ sở hạ tầng du lịch Việt Nam nói chung, du lịch miền Trung - Tây Nguyên (trong đó có Đà Nẵng) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, buộc phải đóng cửa. Nếu có mở thì một số cơ sở lưu trú gần như thất nghiệp (không có khách) hoặc phải sử dụng cho cách ly, điều trị. Phải nhìn nhận cơ sở lưu trú cũng là sản phẩm du lịch. “Làm mới cơ sở lưu trú cũng là một sản phẩm”.

Sau 2 năm đại dịch Covid-19 khoảng 800.000 lao động du lịch trên cả nước đã chuyển việc làm hoặc bỏ việc bởi nhu cầu cuộc sống, mưu sinh. Bây giờ phục hồi hoàn toàn du lịch rồi thì phải mời gọi lao động có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch quay về với việc của chính họ (địa phương nào cũng làm như thế). Bởi vì các lao động đó làm các công việc du lịch nhưng cũng có trách nhiệm trao truyền kinh nghiệm, nghề nghiệp cho thế hệ tiếp theo.

Với các lao động trước đây đã đào tạo rồi nhưng do thay đổi vị trí việc làm cộng với dịch Covid-19 làm cùn đi năng lực hiện có thì nhất thiết cũng phải được đào tạo lại. Đồng thời cũng phải tích cực để đào tạo chuyên sâu đối với một số lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu của các cơ sở lưu trú từ 5 đến 7 sao.

Song song với việc đó, Đà Nẵng và các địa phương miền Trung - Tây Nguyên cần tính toán dài hơi cho quy hoạch hệ thống nguồn nhân lực 5 đến 10 năm tới. Quy mô đào tạo phải phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương “Ta mở cửa không có nghĩa rằng chỉ một mình ta mở cửa”, khu vực và quốc tế cũng đều mở cửa.

Nếu như Đà Nẵng và các địa phương miền Trung - Tây Nguyên chờ người khác làm rồi mới làm thì sẽ đứng đâu sau vài năm tới? Muốn vượt lên chỉ còn cách đi trước và đi nhanh hơn nếu không thì 3 năm sau ai đứng chỗ nào cũng vẫn ở nguyên chỗ đó.

Khách du lịch Mỹ bên sông Hàn.

“Khách sạn vàng” và “bàn tay vàng” là 2 cụm từ rất mới, ông có thể nói rõ hơn về 2 cụm từ này trong hoạt động du lịch?

- Đấy là việc phải xây dựng một sản phẩm du lịch mang thương hiệu của chính chúng ta, rất Việt Nam, rất Đà Nẵng. Để khắp thế giới phải đồng ý rằng sản phẩm du lịch ấy chỉ có ở Đà Nẵng, ở miền Trung. Du lịch Việt Nam không còn “rụt rè” thí điểm nữa mà chính thức mở cửa từ ngày 15/3, thông báo với thị trường khách quốc tế rằng tất cả hoạt động du lịch của Đà Nẵng, của miền Trung - Tây Nguyên đã sẵn sàng.

Cũng cần nhìn nhận rằng quá trình thương thảo, hợp đồng “đầu đến đầu đi” giữa Việt Nam với các nước cũng phải mất vài ba tháng cho nên khoảng thời gian quý báu này là cơ hội để du lịch Đà Nẵng và du lịch miền Trung - Tây Nguyên chuẩn bị cơ sở hạ tầng, điều kiện phục vụ, khả năng tiếp đón thật tốt. Việc này Đà Nẵng đã đi trước một bước so với những địa phương khác. Nói như vậy có thể mất lòng địa phương khác nhưng chắc chắn rằng các địa phương khác cũng sẽ phải tính toán phương án dài hơi để làm tốt hơn.

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao chính là để đáp ứng nhu cầu đón khách quay lại đông hơn với nhu cầu cao hơn sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19. “Khách sạn vàng đã có nhưng phải có bàn tay vàng”. Đà Nẵng, và các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên phải có ngay những chàng trai cô gái vàng trong làng du lịch. Cá nhân tôi rất mong muốn Đà Nẵng sẽ là địa phương đứng đầu cả nước về đào tạo nhân lực, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, thể hiện trách nhiệm với chính mình và với các địa phương trong khu vưc.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Muốn vượt thì phải đi trước và đi nhanh hơn