Mưu sinh mùa nước nổi

Thanh Minh 05/10/2017 09:55

Từ cuối tháng 7, lũ sớm đã về ở Đồng bằng sông Cửu Long, mang theo phù sa cùng nhiều sản vật của mùa nước nổi. Suốt những ngày qua, người dân vùng Tây Nam bộ tất bật mưu sinh trên những cánh đồng, thu về những mẻ cá linh, tôm càng xanh, cua, ốc, lươn, rau nhút, điên điển, hẹ nước...


Đánh bắt cá linh mùa nước nổi.

Đã nhiều năm rồi vùng ĐBSCL không có lũ nhưng năm nay nước lại về sớm hơn một tháng. Lũ về sớm bất ngờ đã khiến một số diện tích lúa hè thu của người dân bị thiệt hại nặng. Nhưng bù lại phù sa rất tốt cho ruộng đồng. Hẹ nước, cá linh, bông điên điển, bông súng… là những sản vật thiên nhiên ban tặng cho người dân trong mùa nước nổi.

Về xã Thủy Tây (huyện Tân Thạnh – Long An) dễ dàng nhìn thấy trên những cánh đồng mênh mông, hàng trăm người dân đi nhổ cây hẹ nước. Khác với hẹ cạn, hẹ nước là loài rau dân dã tự nhiên mọc nhiều vào mùa nước lũ, từ tháng 7 đến tháng 8. Theo lời người dân nơi đây thì hiện giá 1kg hẹ nước giá từ 12-15.000đồng/kg. Bụi hẹ mềm, rễ chùm ngắn bám vào đất bùn nên nhổ cũng không quá tốn sức, thu nhập 1 ngày 150-200ngàn đồng.

Bà Nguyễn Thị Năm, 52 tuổi, người xã Thủy Tây gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, kể: “Mấy năm rồi lũ không về, ông nhà tôi và hai thằng con trai đều lên thành phố làm thuê, làm mướn kiếm sống. Tôi ở nhà một mình mần đồng ruộng, cuộc sống cũng khó khăn trăm bề. Năm nay lũ về sớm, mừng lắm. Ông nhà tôi cũng bỏ việc làm thuê ở thành phố về đây, hàng ngày đặt lưới trên sông kiếm cá linh, bẫy chuột đồng, cũng thu được kha khá. Còn tôi nhổ hẹ nước cũng kiếm 150-200 ngàn đồng/ngày”.

Bên dòng con nước ở các xã vùng thấp như Vĩnh Đại, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Lợi… của huyện Tân Hưng (Long An) sẽ bắt gặp cảnh đánh bắt cá tôm. Trên những con kênh, cánh đồng mênh mông nước, cảnh người dân thu hoạch thủy sản mùa lũ khá sôi nổi; người giăng lưới, thả câu, người kéo lưới đặt dớm. Các loại thủy sản đa dạng, phong phú nhưng nhiều nhất vẫn là cá linh - loài cá đặc trưng chỉ có trong mùa lũ.

Anh Dương Văn Hậu (xã Vĩnh Đại, Tân Hưng) cho cho biết, mỗi buổi kéo lưới thu về rất nhiều cá, chủ yếu là cá linh. Mặc dù lượng cá ngày càng ít đi, nhưng thu nhập từ việc kéo cá cũng giúp anh kiếm được khoảng 400.000 - 500.000 đồng mỗi ngày. Với nông dân ở ĐBSCL, đó là một khoản thu không nhỏ.

Ngoài đánh bắt cá, cua, săn chuột đồng thì hái hoa điên điển cũng mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nơi đây. Cây điên điển mọc dọc theo các con kênh, bờ sông, hễ nước ngập gốc là trổ hoa. Giá bông điên điển ở thời điểm hiện tại là 12.000 đồng/kg, trung bình 1 người, 1 ngày hái được từ 5 - 7 kg cũng mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình.

Theo ông Huỳnh Công Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, mùa lũ năm nay lớn hơn mọi năm, lũ về giúp người dân có thêm thu nhập, nhất là trong lúc nông nhàn nhờ đánh bắt cá, tôm và các đặc sản khác, đồng thời lại giúp vệ sinh đồng ruộng. Ngoài ra, mỗi mùa lũ còn đem lượng phù sa rất lớn cho đồng ruộng ở ĐBSCL, đồng thời rửa trôi các mầm dịch bệnh trong đất, hứa hẹn đem lại một mùa bội thu năm sau. Mùa nước nổi còn đem đến nhiều cơ hội mưu sinh cho người nghèo, như nhổ hẹ thuê, giăng câu, lưới bắt cá...

Tuy nhiên, lũ cũng không còn nhiều như trước nữa. Những người làm nghề đánh bắt ở khắp miền Tây, cả Đồng Tháp, An Giang, Long An…phải ngược lên phía thượng nguồn để mưu sinh, vì vậy mà khu vực đầu nguồn nước sát biên giới Campuchia ở xứ Châu Đốc, An Giang đã thành nên những “xóm dớn”. Họ sống cùng với nhau, chia sẻ với nhau những sản vật của mùa nước nổi. Qua mùa nước lại trở về quê làm ruộng, làm vườn. Và mỗi năm, đến cữ tháng 7, tháng 8, là bà con lại ngóng mùa nước nổi về, mang cho họ cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưu sinh mùa nước nổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO