Mưu sinh trong nắng cháy

Nguyên Khánh 24/06/2020 09:25

Hà Nội cũng như các tỉnh Bắc bộ, Trung bộ đang trải qua đợt nắng nóng như thiêu đốt với nhiệt độ nhiều nơi vượt ngưỡng 40 độ C, khiến cuộc sống của người dân đảo lộn. Dù nắng cháy da thịt nhưng nhiều người vẫn phải oằn mình mưu sinh.

Nắng nóng gay gắt kéo dài.

Nắng làm đảo lộn cuộc sống

Theo TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cuối tuần vừa qua, do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển mạnh kết hợp với hiệu ứng phơn nên các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ đã có nắng nóng và một số nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ phổ biến từ 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Từ đầu tuần này, vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục mở rộng khiến nắng nóng gia tăng ở Bắc bộ và Trung bộ với nền nhiệt độ phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C. Tại Bắc và Trung Trung bộ có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt 37-40 độ, có nơi 41-42 độ. Độ ẩm thấp từ 30-50%.

Nền nhiệt quá cao như vậy đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Tại nhiều tuyến phố được coi là sầm uất nhất Thủ đô như phố cổ Hàng Ngang - Hàng Đào, Lương Văn Can… (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) dù đã gần 11h sáng nhưng nhiều cửa hàng bán quần áo, mỹ phẩm ngày thường vốn đông khách du lịch ghé mua sắm nhưng vẫn vắng tanh.

Trong khi đó, nhiều cửa hàng đồng loạt tìm cách chống nóng bằng cách “buông rèm” che chắn trước cửa nhà, không mặn mà trưng hàng đón khách.

Cửa hàng hóa mỹ phẩm có thể vắng khách nhưng những mặt hàng tươi sống mới bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại các chợ, dù chủ nhân của các mặt hàng rau quả liên tục “tắm” cho hoa, trái cây và rau nhưng quá nắng nóng, rau và hoa vẫn héo rũ.

“Càng về trưa trời càng nóng, chúng tôi phun nước trước cửa hàng để giải nhiệt nhưng chỉ khoảng mươi phút là bốc hơi hết. Người cũng héo nữa là hoa. Không đi bán hàng thì không có tiền, mà nắng thế này hàng quán rất ế ẩm”- chị Nguyễn Thị Lan, chủ sạp hàng hoa ở đường Cầu Giấy nói.

Sửa chữa nâng cấp vỉa hè tại Hà Nội trong cái nắng gay gắt (ảnh chụp ngày 23/6). Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Vất vả mưu sinh

Ông Hoàng Phúc Lâm cũng cho biết thêm, do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài cùng với độ ẩm không khí rất thấp (30-50%), hiệu ứng phơn mạnh nên sẽ gây ra nhiều nguy cơ cháy nổ ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Cùng với đó, nguy cơ xảy ra cháy rừng ở Bắc và Trung Trung Bộ do thời tiết hanh khô.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của nắng nóng dễ gây ra tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể con người khi lao động hoặc hoạt động lâu ở độ cao, ngoài trời. Ngoài ra, chỉ số tia cực tím (UV) ở Hà Nội và Đà Nẵng có giá trị từ 9-10 với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng.

Biết là ra đường vào những ngày nắng nóng sẽ có hại cho sức khỏe, nhất là giữa cái nắng như đổ lửa. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện tránh nắng. Ví dụ như những công nhân làm đường, công nhân của các công ty môi trường đô thị, là chị bán hàng rong hay những người chạy xe ôm….

Tại khu vực rất ít cây xanh như Bến xe Mỹ Đình, đường Phạm Văn Đồng (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nhiều tài xế co cụm về dưới gầm cầu cạn trên đường Vành đai 3 để nghỉ trưa tránh nắng.

“Giữa trưa nhiệt độ ngoài đường lên đến 40 độ C thì không có khách nào chọn đi xe ôm. Tuy nhiên, nếu khách muốn đi, chúng tôi cũng không thể không phục vụ, vẫn đội nắng, cõng mưa mà đi dù biết là nắng thiêu đốt thế này thì rất dễ ốm” - ông Hoàng Văn Thọ, tài xế xe ôm, cho biết.

Chị Vui, một người làm công việc bốc vác thuê tại chợ Đồng Xuân cho biết, nắng nóng những ngày này thật khó chịu nhưng chúng tôi vẫn phải làm việc. Để chống lại cái nóng các chị chỉ có cách mặc áo dầy và sấp khăn ướt quấn lên đầu để hạ nhiệt. Nhưng chỉ vài chuyến xách hàng thuê là khăn đã khô cong.

Vệt nắng nóng trải dài từ các tỉnh Bắc bộ đến Bắc Trung bộ cộng thêm hiệu ứng phơn khô khốc bỏng rát cũng khiến người dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh vật vã, mệt mỏi.

Anh Hoàng Đức Hạnh - công nhân của Công ty CP Bach-Charmbar tại Ninh Bình, công ty chuyên về thi công các công trình giao thông cho biết: Người làm đường thì chỉ mong trời nắng, càng nắng thì càng phải lao ra đường. Tuy nhiên, nắng cháy da cháy thịt thế này rất khó chịu. Chúng tôi phải đổi giờ làm việc để tránh nắng nóng. Buổi sáng, chúng tôi chỉ làm việc đến 10h45 phải nghỉ, giờ làm việc buổi chiều là 14h30 muộn hơn nửa tiếng so với ngày bình thường.

Trong khi đó, rất nhiều bà con khu vực nông nghiệp lại chọn giải pháp tránh nóng bằng cách thu hoạch hoa mầu vào ban đêm. Chị Hoàng Thị Tài ở Tuyên Quang cho biết, giờ bắt đầu là vụ lạc và lúa chiêm, bà con đã chọn giải pháp ra đồng lúc chiều muộn hoặc nửa đêm để thu hoạch hoa màu và cấy lúa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mưu sinh trong nắng cháy