Cả giới chức Mỹ và Anh trong hôm 5-11 cùng đưa ra quan điểm chung, nói rằng một thiết bị nổ có khả năng là nguyên nhân gây nên thảm họa máy bay của Nga trên bán đảo Sinai của Ai Cập; trong lúc tổ chức phiến quân IS liên tục khẳng định rằng chúng đã bắn hạ máy bay này.
Chiến dịch tìm kiếm tại hiện trường vụ rơi máy bay
đã được mở rộng ra trên diện tích rộng 40 km vuông. (Nguồn: Reuters).
Thiết bị nổ gài trên máy bay
“Một quả bom là khả năng dễ xảy ra nhất” – AFP dẫn lời một quan chức Mỹ nói, 4 ngày sau khi chiếc máy bay Airbus A-321 của Nga bị rơi trên bán đảo Sinai khiến 224 người thiệt mạng – “Đó cũng là điều mà phiến quân IS muốn thực hiện”.
Nếu như được xác nhận, đây sẽ là vụ đánh bom đầu tiên mà tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thực hiện trên một chuyến bay dân dụng. Trước đó, Văn phòng Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra tuyên bố, nói rằng: “Trong lúc nhiều thông tin được gợi mở, chúng tôi quan ngại rằng chiếc máy bay bị rơi có thể là do một thiết bị nổ”.
Trong ngày 5/11, Anh cũng ra chỉ thị cho các hãng hàng không trong nước ngừng mọi chuyến bay đi và đến khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh trên bờ Biển Đỏ của Ai Cập, nơi mà chuyến bay mang số hiệu 9268 của Nga bị rơi hôm 31-10 vừa qua; đồng thời cảnh báo người dân không nên đi các chuyến bay quốc tế tới khu vực này.
Tuyên bố của giới chức Mỹ và Anh xuất hiện giữa lúc giới chức Ai Cập thông báo rằng các nhà điều tra của họ đang phân tích “hộp đen” trên chuyến bay gặp nạn và đã trích xuất được dữ liệu từ một trong hai thiết bị. Thiết bị còn lại được cho là đã bị hỏng hóc và cần nhiều thời gian để phục hồi.
Trong khi đó, cơ quan hàng không Ireland cũng đưa ra chỉ thị cho các hãng hàng không của họ không bay đến Ahrm el-Sheikh hoặc trên không phận bán đảo Sinai, sau tuyên bố của Anh. Các hãng hàng không lớn khác của châu Âu như Air France và Lufthansa cũng đã quyết định ngừng mọi chuyến bay qua không phận bán đảo Sinai như một biện pháp đảm bảo an toàn trong lúc chờ đợi thông tin điều tra nguyên nhân vụ rơi máy bay Nga.
IS tiếp tục lên tiếng thách thức
Đến nay, cả Nga và Ai Cập đều tỏ ý nghi ngờ khả năng IS bắn hạ chiếc máy bay Airbus, dù cho giới chức hai nước nói rằng họ sẽ không loại trừ khả năng nào và rằng quá trình điều tra “hộp đen” máy bay sẽ phải mất nhiều tuần hoặc thậm chí nhiều tháng mới có thể hoàn thành.
Trong một tuyên bố mới nhất, phiến quân IS một lần nữa khẳng định rằng chúng đã bắn hạ máy bay của Nga - và thách thức những người tỏ ý hoài nghi chứng minh điều ngược lại. “Cứ thử chứng minh là chúng tôi không bắn hạ nó đi, và tại sao nó lại bị rơi. Chúng tôi sẽ đưa ra chi tiết về việc nó bị rơi vào thời điểm do chúng tôi lựa chọn” - nhóm này tuyên bố trong một đoạn băng thu âm được đăng tải trên Internet.
Được biết, chi nhánh IS ở Ai Cập hiện đang khơi mào một cuộc chiến đẫm máu ở khu vực phía Bắc bán đảo Sinai, và đã gây nên cái chết của hàng trăm binh sỹ và cảnh sát. Hôm 4-11, nhóm này còn nhận trách nhiệm một vụ đánh bom xe tự sát tại một câu lạc bộ cảnh sát ở El-Arish, khiến 4 cảnh sát thiệt mạng.
Hiện nay, giới chuyên gia vẫn trung thành với lập luận rằng, thực tế cho thấy các mảnh vỡ và thi thể trải dài trên một khoảng đất rộng lớn đã chỉ ra rằng chiếc máy bay này đã bị vỡ tan ngay trên không. Điều này dẫn đến 2 khả năng: Một là lỗi kỹ thuật khiến chiếc máy bay bị tách làm nhiều phần. Và hai là một trái bom phát nổ trên khoang.
Các chiến dịch tìm kiếm trên hiện trường vụ tai nạn đã được mở rộng ra thành một vùng rộng 40 km vuông. Đội ngũ chuyên gia của Anh cũng đã được triển khai tới Sharm el-Sheikh để đánh giá tình hình an ninh.
Cũng trong ngày 5/11, thân nhân của các hành khách tử nạn trên chuyến bay 9268 của Hãng hàng không Kogalmavia đã bắt đầu nhận dạng thi thể, sau khi 2 chiếc máy bay chở thi thể của rất nhiều nạn nhân đến thành phố St Petersburg. Ở trung tâm thành phố, khoảng 300 người đã tụ họp để tưởng nhớ các nạn nhân xấu số.