Mỹ đã chính thức chấm dứt lệnh cấm kéo dài 4 tháng đối với các hành khách mang máy tính xách tay lên các chuyến bay đến nước này từ một số sân bay ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, từ đó cũng kết thúc một trong những hạn chế di chuyển gây tranh cãi nhất mà chính quyền Tổng thống Trump từng áp đặt.
Lệnh cấm mang thiết bị điện tử lên chuyến bay của chính quyền Mỹ từng vấp phải sự chỉ trích từ một loạt hãng hàng không trên thế giới (Nguồn: Reuters).
Sân bay quốc tế King Khalid ở thủ đô Riyadh của Arab Saudi là sân bay cuối cùng trong tổng số 10 sân bay đã được gỡ bỏ lệnh cấm này; Cơ quan An ninh Nội địa Mỹ xác nhận thông tin trong một tuyên bố đăng tải trên mạng xã hội Twitter vào ngày 20/7.
Rất nhiều hãng hàng không ở khu vực Trung Đông đã cực lực lên án các hạn chế mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp đặt với họ, trong đó bao gồm cấm công dân của một số quốc gia Hồi giáo lớn trên thế giới đến lãnh thổ Mỹ.
Hồi tháng 3 vừa qua, Mỹ còn ra lệnh cấm hành khách mang phần lớn các mặt hàng điện tử cá nhân lên khoang các chuyến bay từ 10 sân bay ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, do các quan ngại rằng thuốc nổ có thể được nhồi trong các thiết bị này.
Lệnh cấm này sau đó đã được gỡ bỏ đối với 9 hãng hàng không gồm Emirates của UAE, Etihad Airways của Abu Dhabi, Qatar Airways của Qatar, Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ, hãng hàng không Arab Saudi, hãng hàng không hoàng gia của Jordan, Kuwait Airways của Kuwait, EgyptAir của Ai Cập và Royal Air Maroc của Morocco. Tất cả đều là các hãng có đường bay thẳng tới nước Mỹ.
Một lệnh cấm nhập cảnh trong đó nhằm vào công dân đến từ các quốc gia tập trung đông cộng đồng người Hồi giáo trên thế giới – gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, syria và Yemen – hiện vẫn còn trong thời gian hiệu lực, dù đã được giảm nhẹ một số tiêu chí sau khi các tòa án liên bang Mỹ thách thức các điều khoản của lệnh cấm này.
“Ngành công nghiệp hàng không thế giới đang cố gắng đoàn kết lại để đưa ra một thông điệp, gửi tới chính phủ các nước cùng các bên liên quan về quy định và việc ủng hộ ngành công nghiệp này” – Will Horton, chuyên gia phân tích kỳ cựu thuộc hãng cố vấ hàng không Australia (CAPA), cho hay.
“Nhưng nỗ lực đó lại bị giáng cho một đòn chí mạng đầu tiên là từ lệnh cấm nhập cảnh, và sau đó là đến lệnh cấm các đồ dùng điện tử các nhân từ Mỹ” – ông Horton nói thêm.
Tổ chức hàng không tiên phong của thế giới, Hiệp hội Giao thông hàng không Quốc tế (IATA) đã chỉ trích lệnh cấm mang các thiết bị điện tử cá nhân lên máy bay là không hiệu quả, trong khi giới chuyên gia an ninh quốc tế cũng cho rằng những kẻ phiến quân có thể di chuyển tới Mỹ thông qua châu Âu hoặc nhiều nơi khác không bị áp đặt các lệnh cấm này.
Các lệnh cấm trên được áp đặt khi mà nhiều hãng hàng không lớn của Mỹ như American Airlines Group, Delta Air Lines và United Airlines nối lại chiến dịch của họ để cạnh tranh lại các hãng hàng không ở Vùng Vịnh gồm Emirates, Etihad và Qatar Airways. Các hãng này từng gây sức ép với chính quyền Mỹ để tái đàm phán lại các thỏa thuận đường không với UAE và Qatar.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ và Trung Đông nói rằng chiến dịch cạnh tranh này không hề liên quan tới các lệnh cấm mà chính quyền Mỹ ban hành.
Giới chức Mỹ đã quyết định gỡ bỏ lệnh cấm này sau khi có chuyến thăm chính thức tới 10 sân bay ở các nước gồm Ai Cập, Morocco, Jordan, UAE, Arab Saudi, Kuwait, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng thời gian suốt 3 tuần qua nhằm xác nhận về các biện pháp an ninh mới được tuyên bố hồi tháng trước được các sân bay này áp dụng.
Trong hôm 20/7, Mỹ cũng đưa ra một thông báo mới tới tất cả các hãng hàng không trên thế giới trong một phản ứng trước yêu cầu rằng chính quyền nước này cần phải làm rõ các biện pháp an ninh hàng không mới dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực trong tuần này.
Các yêu cầu an ninh hàng không mới mà Mỹ đưa ra bao gồm tăng cường việc kiểm tra hành khách tại các sân bay nước ngoài, tăng cường các biện pháp kiểm tra an ninh xung quanh máy bay và tại các khu vực lưu hành khách, tăng cường kiểm tra đối với vật nuôi đi kèm.
Được biết, quy định mới này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 325.000 hành khách trên khoảng 2.000 chuyến bay thương mại từ 280 sân bay ở 105 quốc gia hàng ngày tới nước Mỹ. Các hãng hàng không không thể tuân thủ theo các quy định mới nghiêm ngặt này có thể đối mặt với việc bị áp lệnh cấm mang các thiết bị điện tử lên khoang máy bay.
Hiện nay, ngoài Mỹ, Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) vẫn tiếp tục thực thi lệnh cấm mang các thiết bị điện tử lên khoang máy bay đối với các chuyến bay đến từ một số sân bay ở khu vực Trung Đông. Lệnh cấm này được áp dụng với các chuyến bay đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan, Ai Cập, Tunisia và Arab Saudi.