Các quan chức Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) cho biết, Washington sẽ áp thuế từ 10%-25% lên 7,5 tỉ USD hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU). Các mức thuế mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 18/10.
Nhà máy sản xuất máy bay của hãng Airbus tại bang Alabama (Mỹ).
Tuy nhiên, Phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Mina Andreeva cho rằng Mỹ và EU nên tránh “ăn miếng trả miếng” bằng cách đánh thuế nhằm vào nhau vì điều này sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ thương mại trị giá 1.300 tỉ USD giữa hai bên, đe dọa thương mại toàn cầu và ngành công nghiệp máy bay. Bà Andreeva nhấn mạnh EU sẵn sàng hợp tác với Mỹ tìm kiếm giải pháp công bằng nhưng nếu Washington quyết định áp dụng các biện pháp đối phó, EU sẽ có động thái tương tự.
Động thái “cứng rắn” từ phía Mỹ được coi là sự khơi mào kể từ khi EU thắng vụ kiện kéo dài 15 năm tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tranh cãi bắt đầu nổ ra vào năm 2004 khi Mỹ nộp đơn lên WTO cáo buộc Airbus - tập đoàn được Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha hậu thuẫn - hưởng trợ cấp chính phủ bất hợp pháp. Châu Âu cũng có những khiếu nại tương tự nhằm vào Hãng Boeing của Mỹ. Kể từ đó, hai bên liên tục đưa ra các yêu sách và phản tố, khiến cuộc tranh chấp pháp lý này trở thành vụ kiện tụng lớn nhất lịch sử WTO. Theo Hãng tin AP, EU đã thắng kiện trong vụ cáo buộc Mỹ trợ cấp bất hợp pháp cho Boeing và WTO có thể ra phán quyết cho phép EU trả đũa trong những tháng tới.
Tuy thế, theo trang Bloomberg, dù chính quyền ông Donald Trump xem phán quyết của WTO trong tuần này như một chiến thắng vang dội thì cũng không có gì đáng để ăn mừng. Đòn thuế mới sẽ làm tăng chi phí đối với người tiêu dùng Mỹ và tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, EU chắc chắn sẽ không bỏ qua đòn thuế của Mỹ mà không có biện pháp trả đũa. Khối này trước mắt dọa sẽ áp thuế lên 4 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nếu chính quyền ông Donald Trump vẫn quyết thực hiện bước đi trên.
Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump đến nay vẫn chỉ trích các hoạt động thương mại của EU mà ông cho là bất công. Chính quyền của ông Donald Trump đã leo thang căng thẳng với khối này khi Mỹ áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm từ châu Âu hồi năm ngoái. Đáp lại, EU đã đánh thuế lên khoảng 3 tỉ USD hàng hóa của Mỹ.