Mỹ đã gửi một lượng lớn vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Các lực lượng Dân chủ người Kurd ở Syria (SDF) nhằm giúp lực lượng này chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại tỉnh Raqqa, miền Bắc Syria.
Ảnh minh họa (Ảnh: BBC).
Ngày 24/9, SDF cho biết lượng lớn vũ khí và trang thiết bị quân sự trên nhằm hỗ trợ SDF xóa sổ hoàn toàn IS khỏi Raqqa.
Theo SDF, thành phố Raqqa mà IS xem là thủ đô của tổ chức này hầu như đã được giải phóng và người dân bắt đầu trở về nhà.
Trước đó, ngày 21/9, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cũng cho biết nhóm SDF do người Kurd dẫn đầu đã giành lại kiểm soát tại Raqqa, thành trì quan trọng nhất của IS, và một số tay súng IS hiện đang lẩn trốn trong các tầng hầm và các nơi trú ẩn dưới lòng đất tại trung tâm thành phố.
Miền Bắc Syria là một trong những khu vực giao tranh phức tạp nhất tại quốc gia Trung Đông này, trong đó Raqqa là chiến trường ác liệt nhất. IS chiếm giữ Raqqa từ đầu năm 2014 và gieo rắc những hành động tàn bạo trong thành phố này.
Tháng Sáu vừa qua, SDF đã mở chiến dịch tấn công Raqqa với sự hỗ trợ của các cuộc không kích do Mỹ đứng đầu và lực lượng đặc nhiệm trên thực địa. Theo SOHR, 80% thành phố đã bị phá hủy, và khoảng 3.100 người đã thiệt mạng, gồm cả các tay súng IS, trong các cuộc giao tranh kéo dài tại Raqqa.
Trong khi đó, quân đội Nga và Syria ngày 24/9 đã tăng cường các hoạt động không kích vào tỉnh Idlib và Hama đang do quân nổi dậy chiếm giữ, chỉ vài ngày sau khi các phần tử thánh chiến mở một cuộc tấn công vào các khu vực do quân chính phủ nắm giữ ở Tây Bắc Syria.
Hàng chục vụ không kích đã xảy ra ở các thị trấn lớn gồm Khan Sheikhoun, Jisr al-Shaqour, Saraqeb và nhiều ngôi làng.
Chiến dịch ném bom được tiến hành ngay sau khi đạt được một thỏa thuận 3 bên gồm, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tại Moskva nhằm triển khai một lực lượng giám sát ở tỉnh Idlib.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các chiến dịch của Moskva nhằm vào các phiến quân cực đoan. Tuy nhiên, lực lượng nổi dậy được phương Tây hậu thuẫn cho rằng các cuộc không kích này nhắm tới nhóm Quân đội Syria tự do (FSA), nhóm đã ký các thỏa thuận ngừng bắn mà Nga đã thúc đẩy.
Các cuộc ngừng bắn do phía Nga khởi xướng đã tạm thời cứu giúp hàng chục nghìn người sống trong vùng đất do quân nổi dậy chiếm giữ ở Tây Bắc Syria. Tuy nhiên, hàng nghìn thường dân trở về nhà đã phải quay trở lại các trại tị nạn dọc biên giới Thổ Nhĩ nằm dưới sự bảo vệ của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.