Các công ty nhà nước Trung Quốc có thể “hứng đòn” trừng phạt của Mỹ vì đóng vai trò trong việc mở rộng sự hiện diện phi pháp của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, tuần này đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng các công ty nhà nước để “bắt nạt” các nước láng giềng trong khu vực nhằm đảm bảo trữ lượng khoáng sản và dầu mỏ.
Ông Stiwell còn ám chỉ rằng, Mỹ có thể đáp trả bằng cách áp lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức và doanh nghiệp có liên quan tới tới hoạt động trên của Trung Quốc.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ngày 14/7, ông Stilwell đã nêu tên Công ty Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC) là đơn vị giúp Trung Quốc phát triển nhiều đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Ngoài ra, quan chức Mỹ cũng đề cập tới Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) là đơn vị lắp đặt một giàn khoan lớn ở Biển Đông.
Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ vì hành động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa trái phép tại Biển Đông. Các công ty nhà nước Trung Quốc đã tham gia tích cực vào những hoạt động phi pháp này.
Những hình ảnh vệ tinh do tạp chí quốc phòng IHS Jane’s phân tích cho thấy công ty nạo vét Thiên Tân, một công ty con của CCCC, đóng vai trò trong việc cải tạo trái phép các rạn san hô ở Biển Đông, bao gồm đá Vành Khăn, đá Chữ Thập, thành những đảo lớn hơn để thiết lập đường băng và cơ sở quân sự trái phép.
Ông Stilwell không nêu cụ thể các lệnh trừng phạt của Mỹ là gì.
Trước đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio đã kêu gọi áp lệnh trừng phạt nhằm vào hàng loạt công ty nhà nước Trung Quốc, gồm CNOOC, CCCC và 2 công ty con của tập đoàn này. Ông Rubio yêu cầu chính phủ Mỹ đóng băng tài sản và cấm quan chức của các công ty này hoạt động kinh doanh tại Mỹ.
Bình luận của ông Stilwell được đưa ra sau khi Mỹ nêu tuyên bố chính thức, bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Động thái này làm gia tăng nguy cơ đối đầu căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Trung Quốc đơn phương đưa ra yêu sách chủ quyền phi lý với hầu hết khu vực Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chín đoạn” không được quốc tế công nhận. Năm 2016, tòa trọng tài thường trực ở Hà Lan đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách này, tuy nhiên Trung Quốc đến nay vẫn không công nhận và ngang nhiên tiếp tục xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Giới quan sát nhận định bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ cũng sẽ phụ thuộc vào cách Washington và các nước Đông Nam Á xác định như thế nào về các hành động của Trung Quốc.
“Nếu có một thỏa thuận giữa Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á về việc khi nào và ở đâu hành động của Trung Quốc có thể bị xem là phi pháp, thì việc đó sẽ tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán hoặc hành động pháp lý của các quốc gia liên quan” nhằm chống lại yêu sách của Bắc Kinh, Jay Batongbacal, giáo sư về các vấn đề hàng hải quốc tế tại Đại học Philippines, cho biết.
Ông Jay lấy ví dụ trong trường hợp CNOOC tìm cách cản trở hoạt động khai thác dầu khí tại khu vực thuộc thềm lục địa của Malaysia, Malaysia và Mỹ có thể thực hiện hành động pháp lý đối với CNOOC.
Chuyên gia Jay cũng cho rằng lập trường cứng rắn hơn của Mỹ sẽ trao cho các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á “đòn bẩy” trong đàm phán, vì giờ đây các nước biết rằng lập trường của họ sẽ nhận được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi hơn so với Trung Quốc.
Tuy vậy, các biện pháp trên có thể gây thêm tổn thất vì nhiều công ty nhà nước Trung Quốc tham gia tích cực vào Sáng kiến Vành đai và Con đường - tham vọng của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy hạ tầng và đầu tư tại các châu lục nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.
Ví dụ, CNOOC sở hữu các dự án tại các bang Texas, Colorado và Wyoming của Mỹ, cũng như tại vịnh Mexico, trong khi công ty con của tập đoàn này cũng tham gia nhiều dự án dầu khí chung tại Mỹ.
CCCC cũng hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á. Tháng 12 năm ngoái, tập đoàn này đã giành được thỏa thuận 10 tỷ USD để xây một sân bay quốc tế bên ngoài thủ đô Manila của Philippines theo Sáng kiến Vành đai và Con đường.