Dù Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2018, nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn cho rằng họ có quyền khởi động cơ chế tái trừng phạt đối với Iran.
Sự bác bỏ từ các đồng minh
Tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bác bỏ dự thảo nghị quyết do Washington đưa ra nhằm gia hạn vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran theo điều khoản của Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 trước khi lệnh này hết hạn vào ngày 18/10.
The Guardian dẫn lời các nhà ngoại giao giấu tên của Liên hợp quốc cho biết, chính lập trường cứng rắn của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã dẫn đến việc Washington bị cô lập tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) nơi gần đây đã bác bỏ cơ chế tái trừng phạt nhằm cấm vận vũ khí đối với Iran.
Một trong những nhà ngoại giao cho biết, Mỹ thực sự “vượt quá giới hạn của sự lố bịch” khi đề cập đến phát biểu của ông Pompeo, người cáo buộc châu Âu chọn "đứng về phía Ayatollah" khi bỏ phiếu cấm vận.
"Điểm mấu chốt ở đây là hầu hết các quốc gia trong Hội đồng Bảo an LHQ về cơ bản đồng ý với Mỹ rằng, Iran là một quốc gia “nguy hiểm” và việc có vũ khí hạt nhân và nhiều vũ khí hơn không phải là điều tốt. Nhưng người Mỹ đã thường xuyên "chơi" sai cách, quá hung hăng, họ tự cô lập mình với những người không cùng quan điểm chỉ vì khó chịu", nguồn tin nói thêm.
Thứ Bảy tuần trước, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã viết trên Twitter: "Mỹ chưa bao giờ bị cô lập như vậy" sau khi kết quả cuộc bỏ phiếu trừng phạt Iran được công bố, chỉ 2 trong số 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ ủng hộ nghị quyết của Washington gia hạn lệnh cấm vận đối với Tehran.
"Bất chấp tất cả các cuộc đàm phán, áp lực và sự chèo kéo, Mỹ chỉ có thể huy động một quốc gia nhỏ bỏ phiếu cho họ", ông Mousavi nói và đề cập đến Cộng hòa Dominica.
Đặc phái viên Liên hợp quốc của Iran, Majid Takht Ravanchi, nhấn mạnh rằng, cuộc bỏ phiếu "một lần nữa cho thấy sự cô lập của Mỹ".
"Mỹ phải rút kinh nghiệm từ thất bại này. Nỗ lực của họ nhằm khởi động lại các biện pháp trừng phạt Iran là bất hợp pháp và đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ", ông Ravanchi viết Twitter hôm thứ Bảy tuần trước.
Mỹ vẫn “ngược dòng”
Ngược lại, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đưa ra lời bác bỏ quyết định của Hội đồng Bảo an LHQ đối với đề nghị tái trừng phạt của Washington và cam kết rằng chính quyền Trump sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng Iran không thể mua bán vũ khí trên thị trường quốc tế.
Hơn thế nữa, ông Pompeo bày tỏ sự thất vọng trước hành động của các đồng minh trong Hội đồng Bảo an LHQ và tuyên bố: "Người Iran sẽ không có cơ hội có được vũ khí phòng không của Nga, một số xe tăng của Trung Quốc- những thứ gây ra rủi ro và bất ổn ở Trung Đông".
Tuyên bố này của ông Pompeo được đưa ra sau khi Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ (tháng 7), Dian Triansyah Djani công bố vào cuối tuần trước rằng, cơ chế tái trừng phạt Iran đã không nhận được sự ủng hộ cần thiết để được thông qua, bởi vì nó chỉ nhận được chấp thuận bởi Mỹ và Dominica, Nga và Trung Quốc phủ quyết, trong khi 11 quốc gia khác bỏ phiếu trắng.
Cơ chế tái trừng phạt là một phần của thỏa thuận hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA), được ký kết vào năm 2015 bởi một nhóm các quốc gia châu Âu, Mỹ, Nga và Trung Quốc. Cơ chế sẽ được kích hoạt nếu Tehran ngừng thực hiện các nghĩa vụ của mình theo hiệp định.
Cơ chế này cho phép bất kỳ nước nào trong nhóm P5+1 tham gia ký thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran có quyền đề xuất áp lại các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nếu Tehran không tuân thủ các điều khoản đã nhất trí trong thỏa thuận.
Sau khi nhận được đề nghị chính thức của Mỹ, các nước thành viên còn lại trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ có 10 ngày để đưa ra quyết định.
Trong trường hợp các bên không nhất trí được, các lệnh trừng phạt Iran sẽ tự động được kích hoạt sau 30 ngày kể từ khi Mỹ chính thức đưa ra đề nghị.
Trong nhiều năm, Tehran đã phải đối mặt với lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ, dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 10 năm nay.
Thỏa thuận yêu cầu Iran thu hẹp chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy các biện pháp trừng phạt.
Dù Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2018, nhưng chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn cho rằng họ có quyền khởi động cơ chế này, điều đó khiến Tehran rời bỏ các cam kết hạt nhân.