Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tăng cường giọng điệu chỉ trích với Iran trong hôm 20/4, tuyên bố rằng thỏa thuận quốc tế nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này đã thất bại và rằng Iran vẫn tiếp tục là “một nước bảo trợ khủng bố hàng đầu thế giới”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bất ngờ đưa ra cảnh báo với Iran về thỏa thuận hạt nhân. (Nguồn: ABC).
Thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính quyền Tổng thống Barack Obama cùng nhiều đồng minh từng ký kết “đã hoàn toàn phớt lờ tất cả các mối đe dọa khác từ Iran”; Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố.
Trước đó một ngày, ông Tillerson - người chịu trách nhiệm thường xuyên thông báo trước Quốc hội về việc thực thi thỏa thuận của Iran - đã xác nhận rằng Iran đang tuân thủ đúng thỏa thuận cắt giảm hạt nhân. Tuy nhiên, sau đó, ông lại nói rằng “các hành động khiêu khích và đáng báo động của Iran, mang đến sự sợ hãi và bạo lực, đang gây bất ổn ở nhiều hơn một quốc gia”, và rằng nếu Iran tiếp diễn, họ sẽ “có khả năng đi theo con đường giống với Triều Tiên”.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ là động thái mới nhất trong số hàng loạt những lời cảnh báo mà chính quyền Trump đưa ra mới đây nhằm vào Iran và có khả năng là họ đang cân nhắc lại thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Mỹ, các đối tác EU, Nga và Trung Quốc.
Dù vậy, giới phân tích và ngoại giao cho rằng chính quyền Mỹ ít có khả năng hủy bỏ thỏa thuận này, vốn nhằm mục đích ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Thay vào đó, họ cho rằng tuyên bố cứng rắn trên là một lời cảnh báo đối với Triều Tiên và là nỗ lực để Iran tiếp tục tuân thử thỏa thuận hạt nhân mà Tổng thống Trump từng gọi là “thỏa thuận kinh khủng”.
“Chúng tôi biết rằng họ đưa ra giọng điệu cứng rắn” - một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên nói với hãng tin Reuters - “Nhưng chúng tôi không nhận thấy khả năng Mỹ xem xét lại thỏa thuận hạt nhân”.
Trước đây, trong lúc tranh cử, ông Trump từng lấy việc chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran là tâm điểm của chiến dịch, nói rằng “ưu tiên hàng đầu của tôi là bác bỏ thỏa thuận thảm họa với Iran”. Ông Trump còn thêm rằng: “Để tôi nói với các bạn, thỏa thuận này là thảm họa đối với nước Mỹ, đối với Israel và đối với toàn khu vực Trung Đông”.
Trong lúc ông Tillerson chỉ trích thỏa thuận này bởi nó không hề đề cập tới các hoạt động giải giáp hạt nhân của Iran trong khu vực, giới phân tích cho rằng thỏa thuận được thiết kế theo cách đó bởi các vòng đàm phán toàn diện hơn về các vấn đề khác sẽ củng cố thêm cho thỏa thuận.
Thỏa thuận hạn chế
Dù Ngoại trưởng Mỹ đã xác nhận hôm đầu tuần rằng Iran đang tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân, nhưng ông vẫn tuyên bố rằng, Mỹ sẽ xem xét lại xem liệu việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lấy việc nước này hạn chế chương trình hạt nhân có phải là lợi ích quốc gia của Mỹ hay không.
Được biết, việc áp đặt lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran sẽ vi phạm các điều khoản của thỏa thuận được ký kết bởi Tổng thống Barack Obama, Nga, Trung Quốc và cả EU.
Các điều khoản trong thỏa thuận này cho rằng, việc trừng phạt Tehran sẽ còn tạo ra nhiều thách thức hơn cho khu vực Trung Đông, củng cố vị thế của các chính khách có quan điểm cứng rắn ở Iran và khiến cho Iran tái khởi động chương trình hạt nhân của họ, điều sẽ gây nên một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực.
Ông Ahmad Majidyar, Giám đốc Dự án Quan sát Iran thuộc Viện Nghiên cứu Trung Đông, cho hay “với khả năng đánh chặn hạt nhân, Iran rất có thể sẽ tăng hậu thuẫn cho các tổ chức trong khu vực, điều sẽ gây ảnh hưởng tới an ninh khu vực và quốc tế”.
Hiện nay, một số quan chức chính quyền cho hay Mỹ đang cân nhắc các biện pháp để thực thi mạnh mẽ hơn các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân và áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan tới các hoạt động của Iran trong khu vực Trung Đông mà Mỹ và các đồng minh xem là gây bất ổn. Các hoạt động này bao gồm việc Iran ủng hộ phiến quân Houthi ở Yemen, ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và một số tổ chức phiến quân khác trong khu vực.
Trong chuyến công du khu vực Trung Đông của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis hôm 19/4 từng tuyên bố trước báo giới về vai trò của Iran ở Yemen: “Bất cứ nơi nào các bạn nhìn vào, nếu có vấn đề trong khu vực, các bạn đều thấy có Iran”.
Tuy nhiên, việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran chắc chắn sẽ không mang lại lợi ích gì cho Washington.
“Điều đó sẽ chỉ khiến Mỹ bị cô lập hơn cả Iran” - ông Majidyar nhận định, nhấn mạnh rằng các cường quốc khác cũng là một phần của thỏa thuận này - “Điều mà tôi thấy là chính phủ Mỹ chỉ đưa ra giọng điệu cứng rắn hơn về thỏa thuận này”.