Tần suất các vụ chống đối nhắm vào ‘người gốc Á’ - từ chế nhạo đến tấn công tại Mỹ trong nửa đầu năm nay, dường như đã sẵn sàng vượt qua con số năm ngoái, bất chấp nhiều cuộc đấu tranh chính trị và xã hội.
“Stop Asian Hate” - một liên minh quốc gia đã thu thập dữ liệu về các cuộc tấn công ‘phân biệt chủng tộc’ liên quan đến đại dịch cho biết, họ đã nhận được 9.081 trường hợp từ ngày 19/3/2020 đến tháng 6/2021. Trong số đó, 4.548 vụ đã xảy ra vào năm ngoái và 4.533 vào năm nay. Kể từ khi virus Corona lần đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán (Trung Quốc), những người gốc Á và Thái Bình Dương đã bị coi như ‘vật tế thần’ chỉ vì chủng tộc của mình.
Các nhà lập pháp, các nhà hoạt động và các nhóm cộng đồng đã cùng nhau đẩy lùi những làn sóng tấn công. Đã có vô số chiến dịch truyền thông xã hội, các cuộc biểu tình của công chúng diễn ra.
Vào tháng 5/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký Đạo luật về Tội ác thù hận Covid-19 của lưỡng Đảng, xúc tiến các xem xét của Bộ Tư Pháp về tội ác thù hận chống lại ‘người gốc Á’ và đồng thời cung cấp các khoản trợ cấp liên bang.
Tổ chức Stop AAPI Hate (AAPI là viết tắt của người Mỹ gốc Á và người dân các đảo Thái Bình Dương) cho biết, mặc dù những hành động của chính phủ chưa đủ để có thể thay đổi cục diện, nhưng chúng ta không nên cảm thấy nản lòng.
Manjusha Kulkarni, nhà đồng sáng lập của Tổ chức Stop AAPI Hate kiêm Giám đốc điều hành của Chính sách Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Khi bạn khuyến khích cho sự thù hận, nó căn bản không giống như thần đèn trong chai - thứ mà bạn có thể lôi ra và đẩy trở lại bất cứ khi nào bạn muốn”.
Theo Kulkarni, có rất nhiều yếu tố đã góp phần vào sự gia tăng con số của các vụ tấn công, đặc biệt khi nền kinh tế mở cửa hơn trong vài tháng qua. Điều đó có đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều cơ hội tấn công hơn. Các báo cáo được tổng hợp bởi Stop AAPI Hate phần lớn là từ chính nạn nhân. Nhìn chung, báo cáo cho thấy các vụ tấn công hầu hết là bằng lời nói và sự xa lánh - những hành động chưa đủ điều kiện để được hợp pháp hóa thành tội ác thù hận. Con số còn lại là các vụ tấn công bằng vũ lực, tuy nhiên chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Hơn 63% trường hợp được tố cáo bởi phụ nữ, trong số đó, khoảng 31% diễn ra trên đường phố và 30% tại các cơ sở kinh doanh.
Nhiều người Mỹ gốc Á đã đổ lỗi cho cựu Tổng Thống Donald Trump vì đã dùng những thuật ngữ liên quan đến chủng tộc để nói về loại virus này. Trong khi trái ngược, ông Biden lại chứng tỏ mình là đồng minh, đồng thời lo ngại rằng các cuộc điều tra của Mỹ về nguồn gốc của đại dịch có thể dẫn đến sự thù hận mạnh mẽ hơn đối với ‘người Mỹ gốc Á’.
“Chúng tôi hiểu rằng các quốc gia khác là đối thủ cạnh tranh của Mỹ và một trong số họ có chế độ độc tài”, Kulkarni nói. “Nhưng cách chúng tôi nói về con người và đổ lỗi cho các cộng đồng da màu có vẻ khác so với chính phủ Nga hay Đức”.
Một cuộc khảo sát của cơ quan Điều tra dân số Hoa Kỳ công bố vào đầu tháng đã cho thấy, các hộ gia đình người Mỹ gốc Á thừa nhận rằng họ không đủ thức ăn trong suốt đại dịch vì ngại phải ra ngoài - đương nhiên không phải do khả năng tài chính hoặc các vấn đề giao thông.
Anni Chung, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tổ chức Tự lực cho người cao tuổi có trụ sở tại San Francisco cho biết, những người lớn tuổi mà họ giúp đỡ đã bị tấn công bởi một loại vi rút thứ hai - đó chính là “virus thù hận”. Tổ chức này đã cung cấp thực phẩm cho hơn 40.000 người lớn tuổi ở Vùng Vịnh, và hầu hết là người châu Á. Năm ngoái, họ đã cung cấp tổng cộng 963.000 bữa ăn.
“Đôi khi, chúng tôi trò chuyện với những người lớn tuổi, họ nói rằng sự thù hận này đã khiến họ bị mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình, điều đó thậm chí còn tệ hơn đại dịch”, Chung chia sẻ.
Chính nỗi lo sợ đó đã khiến những người cao tuổi bỏ lỡ các công việc quan trọng như khám bệnh hoặc tập thể dục. Vì vậy, vào tháng 6, với một số tài trợ từ thành phố, Tổ chức Tự lực cho người cao tuổi đã mở rộng dịch vụ hộ tống tình nguyện để tháp tùng người lớn tuổi trong các công việc thường ngày hoặc đi chơi xung quanh khu phố người Hoa và các khu vực lân cận khác. Đã có hơn 200 yêu cầu được ghi nhận kể từ khi dịch vụ bắt đầu vào tháng 6.
Sự dữ dội của các cuộc tấn công bằng lời nói và bạo lực đã khiến một số người hoài nghi hơn là thông cảm. Peter Yu, một ứng cử viên Thượng viện Hoa Kỳ thuộc Đảng Cộng hòa ở Colorado, cũng là một người Mỹ gốc Hoa, đã bị sa thải vào tháng trước vì mô tả cái tội ác thù hận chống người gốc Á là ‘phóng đại.