Dù nguy cơ xung đột quân sự đã giảm, song những tuyên bố mang đậm chất “khẩu chiến” mà giới lãnh đạo Mỹ và Iran tung ra trong mấy ngày vừa qua cho thấy rõ sự căng thẳng của mối quan hệ thù địch lâu năm giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh tụ tối cao Iran có màn khẩu chiến căng thẳng. (Nguồn: Business Insider).
“Những chú hề ...”
Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei trong hôm thứ Sáu vừa qua đã gọi ngày mà Tehran tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq nhằm trả thù cho cái chết của tướng Qasem Soleimani là “ngày của Chúa” - theo Reuters.
“Thực tế rằng Iran có đủ sức mạnh để tung ra cú tát như vậy vào một siêu cường thế giới cho thấy bàn tay của Chúa” – ông Khamenei nói, trong lúc nhắc tới vụ không kích mà Iran thực hiện nhằm vào các căn cứ quân sự Mỹ.
Bài phát biểu của lãnh tụ tối cao Iran được đưa ra trong lúc mà ông đang chủ trì buổi lễ cầu nguyện hôm 17/1 ở thủ đô Tehran, lần đầu tiên mà ông làm vậy kể từ năm 2012. Bình luận của ông còn được cho là đi kèm với một khẩu hiệu: “Cái chết cho nước Mỹ!”.
Ông Khamenei nói rằng tướng chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds, Qasem Soleimani, là vị tướng lĩnh “quyền lực nhất của mặt trận kháng chiến trong khu vực”, và đang được tôn vinh bởi hàng triệu người ủng hộ ở Iran cũng như hàng nghìn người ở Iraq.
Ông cũng nhấn mạnh rằng vụ sát hại tướng Soleimani là một “nỗi nhục” đối với chính quyền Mỹ, cho thấy “bản chất khủng bố” của nước Mỹ, đồng thời gọi Tổng thống Donald Trump là một “tên hề”, người chỉ giả vờ ủng hộ người dân Iran.
“Những chú hề người Mỹ - những kẻ dối trá và độc ác, từng nói rằng họ đứng bên cạnh người Iran, họ nên xem người dân Iran là ai. Họ đã lặp đi, lặp lại quan điểm này nhiều lần. Nhưng ngay cả khi điều đó là sự thật, họ vẫn cầm con dao tẩm độc đâm vào trái tim bạn” - ông Khamenei nhấn mạnh.
Lãnh tụ tối cao Iran nhấn mạnh rằng đòn tấn công mà Iran thực hiện nhằm vào các căn cứ Mỹ hồi tuần trước là một “đòn giáng đối với hình ảnh nước Mỹ”.
Trong bài phát biểu tại Tehran, ông Khamenei cũng gọi lữ đoàn tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là một “tổ chức nhân đạo với nhiều giá trị nhân văn” và đảm bảo rằng các chiến binh của lực lượng này “không có biên giới”.
Ông Khamenei nói rằng IRGC đang duy trì an ninh của đất nước và rằng những kẻ thù của Tehran đã lợi dụng vụ rơi máy bay Boeing 737 của Ukraine để làm “suy yếu” tổ chức quân sự này. Ông cũng nói thảm kịch hàng không trên đã bị những bên thù địch của Iran “lợi dụng” để “làm lu mờ” sự đau buồn trước cái chết của tướng Soleimani.
Mỹ phản pháo
Ngay sau bài phát biểu của Lãnh tụ tối cao Iran, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lập tức đăng dòng tweet, cảnh báo ông Khamenei cần cẩn trọng với lời nói của mình. Tổng thống Trump cho rằng “Người được gọi là “Lãnh đạo Tối cao” của Iran, mà gần đây chẳng tối cao cho lắm, đã nói những thứ khá tệ về Mỹ và châu Âu. Kinh tế của họ thì đang rơi tự do, con người thì khổ cực. Ông ta nên cẩn thận trong ngôn từ của mình”.
Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook cũng cảnh báo, Iran sẽ càng bị cô lập với những quan điểm thù địch của mình: “Chúng tôi rất vui khi thấy Anh, Pháp và Đức kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân Iran. Thủ tướng Anh cũng đã kêu gọi thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran bằng một thỏa thuận mới, mà chúng tôi rất ủng hộ. Những ngày qua, Tổng thống Iran và Lãnh tụ tối cao của nước này đã đưa ra những lời lẽ đe dọa châu Âu. Chừng nào chính quyền Iran còn đe dọa thế giới, họ càng bị cô lập”.
Những tuyên bố cực đoan về nhau của giới lãnh đạo Mỹ và Iran đã thể hiện được phần nào của mối quan hệ đang rất căng thẳng giữa 2 nước. Dù 2 bên đều khẳng định “không muốn chiến tranh”, “không muốn 1 cuộc đổ máu”, song căng thẳng giữa 2 bên vẫn đang là rất lớn, khó có thể giải quyết; đặc biệt là khi Đại giáo chủ Iran tuyên bố, nước này luôn sẵn sàng đàm phán, nhưng sẽ không phải là với Mỹ.
“Những con rối của nước Mỹ”
Trong bài phát biểu mới đây, Lãnh tụ tối cao Iran cũng bình luận về những diễn biến mới đây liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA), trong đó chỉ trích các nước thuộc nhóm E3 – gồm Pháp, Anh và Đức – vì đã kích hoạt một cơ chế giải quyết tranh chấp, nói rằng các đối tác châu Âu này chỉ đang “phục vụ” cho các lợi ích của Mỹ.
“Châu Âu đã cho thấy họ chỉ là những con rối của nước Mỹ” – ông Khamenei nói – “Họ đang chờ đợi để chứng kiến người Iran phải quỳ dưới chân họ”.
Lãnh tụ tối cáo Iran sau đó kết luận rằng, các bên ký kết JCPOA ở châu Âu là không thể tin tưởng được.
Trước đó, ngày 14/1, 3 nước gồm Pháp, Anh và Đức xác nhận rằng họ đã khởi động cơ chế tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân, vốn được tạo ra để trừng phạt với các hành động vi phạm JCPOA.
Thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 quy định Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân và hủy kho dự trữ uranium làm giàu ở mức độ trung bình và mức độ thấp; đổi lấy việc được gỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018, cùng lúc áp đặt trở lại các đòn trừng phạt nhằm vào ngành ngân hàng và năng lượng của Iran. Tehran trả đũa bằng việc rút dần khỏi các cam kết trong JCPOA.
Sau vụ Mỹ không kích ám sát tướng Soleimani, Iran tuyên bố vào ngày 5/1 rằng họ sẽ không tuân thủ các cam kết còn lại của thỏa thuận hạt nhân và từ giờ trở đi sẽ làm giàu uranium dựa trên nhu cầu kỹ thuật của họ.