Quan chức Mỹ hôm 24-2 bắt đầu hé lộ rằng nước này đã vạch sẵn “kế hoạch B” trong trường hợp lệnh ngừng bắn và tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Syria thất bại dù rằng vẫn hoan nghênh vai trò chủ đạo của Moscow trong việc đạt được một thỏa thuận về vấn đề Syria giữa Nga và Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong phiên chất vấn hôm 24-2 (Nguồn: Reuters).
“Đang có một cuộc thảo luận liên quan tới việc vạch ra một kế hoạch B trong trường hợp chúng tôi không thành công trên bàn đàm phán” - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói trong phiên chất vấn trước Ủy ban Quan hệ Ngoại giao Thượng viện Mỹ hôm 24-2.
Hiện ông Kerry đang chịu nhiều thách thức từ các Thượng nghị sỹ về viễn cảnh của lệnh ngừng bắn mới đạt được ở Syria, dự kiến sẽ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ nước này bắt đầu từ hôm 27-2 tới đây. Theo đề xuất của Tổng thống Nga và Mỹ hôm đầu tuần, thỏa thuận ngừng các hành động thù địch quy định tất cả các bên liên quan tới xung đột ở Syria phải làm đúng theo thỏa thuận này.
Theo thỏa thuận mới đạt được này, những ai chấp nhận các điều kiện đặt ra cần phải ngừng các cuộc tấn công qua lại giữa các phe phái trong cuộc xung đột; cấm sử dụng các loại vũ khí như rocket, đạn pháo, tên lửa chống tăng định hướng…
Các tổ chức khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al-Nusra - hoặc bất kỳ tổ chức nào được Hội đồng Bảo an LHQ xem là khủng bố - không nằm trong lệnh ngừng bắn này. Thỏa thuận cũng nêu rõ rằng, các hoạt động nhân đạo cần phải được thực hiện ngay, tại các khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến sự.
Trả lời chất vấn về lệnh ngừng bắn Syria, ông Kerry cảnh báo rằng tình hình ở nước này sẽ còn có thể tồi tệ hơn rất nhiều nếu như chiến sự cứ tiếp diễn.
Tuy nhiên, ngay trong nội bộ nước Mỹ vẫn còn có rất nhiều luồng ý kiến hoài nghi về thỏa thuận ngừng bắn. Một số nghị sỹ Mỹ trong phiên chất vấn còn tỏ ý hoài nghi về việc Nga giữ cam kết của mình trong thỏa thuận, trong khi nhiều nghị sỹ ở cả hai đảng đặt câu hỏi về việc Moscow ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và cáo buộc chính phủ Nga đã từng vi phạm thỏa thuận ngừng bắn trước đây.
Nhưng Ngoại trưởng Kerry thừa nhận rằng, dù còn nhiều bất đồng đối với Mỹ về một số vấn đề, Nga đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Syria.
“Nếu không có sự hợp tác của Nga, tôi không chắc chúng ta có thể đạt được thỏa thuận này hoặc thực hiện được các chiến dịch viện trợ nhân đạo” - ông Kerry nói
Ngoại trưởng Mỹ cũng đề cập tới sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực của Nga trong các vòng đàm phán về Syria ở Vienna (Áo), mà có khả năng sẽ không đạt được bước đột phá nếu như thiếu đi đóng góp của Moscow. Tuy nhiên, ông Kerry cũng đề cập đến các hậu quả có thể xảy ra, chủ yếu trong trường hợp Nga vi phạm lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, dư luận cho rằng điều này khó có thể xảy ra trong một sớm một chiều, bởi sẽ mất khoảng từ 1 đến 2 tháng để phía Mỹ có thể đưa ra đánh giá về việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn của các bên trong khu vực, và của chính phủ Syria trong tiến trình chuyển tiếp chính trị.
“Chứng cứ về việc hành động của các bên sẽ bắt đầu trong vài ngày tới” - ông Kerry nói về thời hạn bắt đầu thực thi lệnh ngừng bắn - “Chúng ta sẽ biết được liệu tiến trình chuyển tiếp có thực sự được thực thi một cách nghiêm túc hay không”.
Mặc dù đã 2 lần nhắc tới “kế hoạch B” trong phiên chất vấn, nhưng ông Kerry vẫn không hé lộ thêm chi tiết về các lựa chọn mà chính quyền Washington có thể đưa ra trong trường hợp lệnh ngừng bắn bị đổ vỡ như đã từng xảy ra trước đây.
Nhưng dù sao thì lệnh ngừng bắn cũng là một tin đáng mừng, đặc biệt sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad kêu gọi bầu cử Quốc hội dự kiến tổ chức vào ngày 13-4 tới, tức gần 4 năm sau kỳ bầu kỷ gần đây nhất hồi năm 2012. Tuyên bố của ông Assad xuất hiện chỉ ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra tuyên bố chung về việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở nước này.
Thỏa thuận ngừng bắn Syria -Thỏa thuận ngừng bắn tại Syria sẽ có hiệu lực từ 0h00 ngày 27-2 yêu cầu tất cả các bên liên quan phải đưa ra phản hồi về cam kết thực hiện thỏa thuận trước 12h ngày 26-2. -Lệnh ngừng bắn sẽ được áp dụng cho tất cả các bên tham chiến tại Syria chấp nhận các điều khoản trong thỏa thuận, ngoại trừ IS, Al-Nursa hay bất kì phe nhóm khủng bố nào. -Lực lượng không quân của Nga, Mỹ và chính phủ Syria sẽ ngừng không kích các nhóm đối lập vũ trang tham gia lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, vẫn sẽ tiếp tục các cuộc không kích nhằm vào các tổ chức khủng bố. -Tất cả các nhóm đối lập có nghĩa vụ ngừng tấn công bằng mọi loại vũ khí, ngừng đánh chiếm giành lãnh thổ. -Nga và Mỹ sẽ làm việc chung để chia sẻ thông tin, thiết lập một đường dây nóng nhằm giám sát hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn. |