Một vấn đề đang rất được dư luận quan tâm là Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định rút quân đồn trú tại Đức. Ngày 24/6, ông Trump đã có buổi tiếp người đồng cấp Ba Lan Andrzek Duda tại Nhà Trắng, cho biết Mỹ dự kiến điều chuyển một số binh sĩ đồn trú tại Đức sang Ba Lan.
Trong cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ giảm lực lượng đồn trú tại Đức từ 34.500 binh sĩ xuống 25.000. Ông Trump cho biết: “Một số binh sĩ sẽ về nhà và một số khác sẽ được điều chuyển đến những nơi khác. Ba Lan là một trong những nơi đó”.
Về phần mình, Tổng thống Andrzek Duda cho rằng quyết định trên của Mỹ “rất hợp lý”. Ông Duda cũng cho biết, đã đề nghị Tổng thống Trump không rút quân Mỹ khỏi châu Âu “vì an ninh của châu Âu rất quan trọng”.
Được biết, hiện Mỹ có 34 căn cứ và cơ sở ở Đức, tập trung ở phía Nam và phía Tây Nam của nước này. Có khoảng 12.000 người dân Đức được Mỹ tuyển dụng và hàng nghìn việc làm tại các căn cứ này.
Vậy nguồn cơn nào khiến ông Trump tính rút quân đồn trú khỏi Đức?
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert C.O’Brien (trên tờ Wall Street Journal) thì để đối phó với Trung Quốc và Nga, các lực lượng của Mỹ phải được triển khai theo phương thức áp sát tiền tiêu và tăng cường viễn chinh nhiều hơn so với vài năm trước. Đó là lý do chính để Mỹ đi đến quyết định cắt giảm binh sĩ đồn trú thường trực ở Đức từ 34.500 quân xuống còn 25.000 quân.
“Tổng thống Donald Trump đã xác nhận kế hoạch này hôm 15/1/ 2020, nhưng nội dung chi tiết vẫn đang trong quá trình hoạch định. Bộ trưởng Quốc phòng và Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đang phối hợp cùng nhau để trình các lựa chọn giải pháp lên Tổng thống”- ông C.O’Brien cho hay.
Vẫn theo vị Cố vấn an ninh Quốc gia Mỹ, lối bố trí quân sự theo hướng đồn trú một lượng lớn binh sĩ cùng với thành viên gia đình ở một loạt các căn cứ tại nhiều nơi đã lạc hậu. Chiến tranh hiện đại đòi hỏi tính viễn chinh ngày càng cao, cơ động. Trong số 9.500 quân sự định được rút khỏi Đức, sẽ có vài nghìn quân được điều chuyển tới một số nước châu Âu. Vài nghìn binh sĩ cũng sẽ được tái triển khai ở Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương, địa bàn Mỹ hiện duy trì hiện diện quân sự ở Guam, Hawaii, Alaska và Nhật Bản, cũng như khả năng bổ sung quân đóng ở những địa điểm khác như Australia.
“Sau khi tái bố trí lực lượng, Mỹ vẫn duy trì khoảng 25.000 lính bộ binh, thủy quân lục chiến, không quân ở Đức. Quan hệ Mỹ - Đức vẫn mạnh mẽ, cùng với đó là những cam kết của Mỹ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”- ông C.O’Brien nói.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng còn “một lí do quan trọng” nữa trong việc rút quân này. Ngày 15/6, ông Trump cho biết đóng góp của Berlin đối với NATO là quá ít khi mà Đức không chi tiêu đủ cho quốc phòng theo yêu cầu của NATO. “Chúng tôi đã bị tổn thương cả trong vấn đề thương mại lẫn NATO”- ông Trump nói.
Được biết, Đức là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, nhưng chỉ dành 1,4% GDP cho quốc phòng, bất chấp việc các nước thành viên NATO đã cam kết về mục tiêu tăng khoản kinh phí này lên mức 2% GDP. Riêng Mỹ, mức đóng góp này hiện ở mức 3,4% GDP.
Trong khi đó, giới phân tích đánh giá, việc Mỹ cắt giảm số lượng binh sĩ đồn trú tại Đức làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của ông Trump đối với các thỏa thuận hợp tác lâu nay với các đồng minh châu Âu. Động thái của Mỹ có nguy cơ làm xói mòn khối liên minh quân sự NATO.