Không quân Mỹ (USAF) gần đây đã thử nghiệm một loại bom chùm mới được cho là sẽ không để lại những quả bom chưa phát nổ trên chiến trường, thứ có thể giết chết thường dân vô tội trong nhiều năm sau đó.
Trong các cuộc thử nghiệm tại Căn cứ Không quân Nellis ở Nevada vào tháng 7, Không quân Mỹ đã thả 10 quả Bom phân mảnh “Thế hệ mới” BLU-136 vào các mục tiêu để kiểm tra tính hiệu quả của loại vũ khí này.
Đây là loại bom nặng 2.000 pound, được thiết kế để thay thế kho vũ khí bom chùm hiện có của Lầu Năm Góc.
“Các cuộc thử nghiệm được thực hiện để thu thập dữ liệu nhằm xác định hiệu suất hoạt động của BLU-136, đặc biệt trong các khu vực chịu ảnh hưởng”, Trung tá Daniel Lambert, trưởng bộ phận Kiểm tra và Đánh giá số 28 của Phi đội Global Strike cho biết trong một bản tin của USAF.
"Dữ liệu này sẽ giúp các nhà phân tích xác định xem BLU-136 có phải là sự thay thế khả thi cho kho bom chùm của Không quân Mỹ hay không?", Trung tá Daniel Lambert cho biết thêm.
Theo Không quân Mỹ, bất kỳ mảnh bom nào còn sót lại của loại bom mới sẽ không thể phát nổ sau đó.
Một báo cáo của New York Times vào năm 2017 cho thấy, bom chùm có tỷ lệ "chết người" cao tới 20%, có nghĩa là 1/5 những mảnh bom được bắn ra sẽ lưu lại trên mặt đất mà không phát nổ ngay. Sự nguy hiểm là những quả bom này sẽ tồn tại trong nhiều thập kỷ sau đó, dân thường và trẻ em có thể dễ dàng tìm thấy chúng và chúng có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Theo tư liệu trên, bom, đạn chùm được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột, chiến dịch ném bom bí mật của Mỹ nhằm vào Lào trong những năm 1960 và 1970. Mỹ đã thả 2 triệu tấn bom xuống quốc gia Đông Nam Á này, trong đó có khoảng 80 triệu quả bom bi chưa phát nổ. Hơn 20.000 người Lào đã thiệt mạng do bom chưa nổ kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975 và phần lớn diện tích đất nông nghiệp vẫn không thể sử dụng được cho đến ngày nay.
Do những tranh cãi về việc sử dụng loại vũ khí này, năm 2008, hơn 108 quốc gia đã ký Công ước về Bom, đạn chùm để từ bỏ việc sử dụng chúng, tuy nhiên, Mỹ đã từ chối ký hiệp ước. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã đưa ra một cam kết riêng rằng, Mỹ sẽ chấm dứt sử dụng loại vũ khí này vào năm 2019.
Theo quan điểm của Lầu Năm Góc vào thời điểm đó, bom, đạn chùm thực sự là một loại vũ khí nhân đạo. Dữ liệu do WikiLeaks công bố cho thấy, Mỹ đã gây áp lực lớn lên các quốc gia đồng minh để bác bỏ hiệp ước hoặc bác bỏ khái niệm về lệnh cấm. Mỹ cũng đã liên kết với chính phủ Anh để lách lệnh cấm và tiếp tục lưu trữ bom chùm của mình ở Anh.
“Bởi vì các đối thủ trong tương lai có thể sẽ sử dụng lá chắn dân sự cho các mục tiêu quân sự, như việc xác định mục tiêu quân sự trên một tòa nhà bị chiếm đóng, nên việc sử dụng vũ khí đơn lẻ có thể dẫn đến thương vong và thiệt hại dân sự nhiều hơn bom chùm. Do đó, việc loại bỏ hàng loạt bom, đạn chùm là không thể chấp nhận được do không chỉ những hậu quả tiêu cực về mặt quân sự mà còn do những hậu quả tiêu cực tiềm tàng đối với dân thường", theo tuyên bố chính sách năm 2008 của Lầu Năm Góc.
Quan điểm này đã được tái khẳng định vào năm 2017 khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Patrick Shanhan cũng từ chối cam kết năm 2008.
Ông Shanahan cho biết trên tờ Associated khi nói về những thay đổi chính chính sách của Mỹ: “Mặc dù Bộ Quốc phòng Mỹ đang tìm cách triển khai một thế hệ vũ khí mới có độ tin cậy cao hơn, nhưng chúng tôi không thể mạo hiểm bởi kế hoạch có thể thất bại hoặc chấp nhận khả năng gia tăng thương vong cho quân đội và dân sự bằng cách loại bỏ những khả năng tốt nhất hiện có”. Ông cũng nhấn mạnh: "Bom, đạn chùm là vũ khí hợp pháp có công dụng quân sự rõ ràng".
Nhân kỷ niệm 10 năm hiệp ước có hiệu lực vào ngày 31/7/2020, Tổ chức Nhân quyền thế giới đã chỉ trích Mỹ vì nỗ lực phá hủy hiệp ước và tiếp tục phản đối việc chấm dứt sử dụng bom chùm. Theo tổ chức này, trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, Mỹ đã nhận được sự phản đối kiên quyết đối với bom chùm từ các đồng minh thân cận.