Mỹ tiếp tục đưa thêm 4 cơ quan truyền thông Trung Quốc vào diện kiểm soát chặt chẽ hơn, bất chấp nguy cơ leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington đã coi 4 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, gồm China Central Television, China News Service, People's Daily và Global Times, là các “phái bộ nước ngoài” thay vì đơn thuần là các cơ quan truyền thông của Bắc Kinh tại Mỹ.
Hồi tháng 2, Mỹ cũng thông báo siết chặt 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc và đối xử với các cơ quan này tương tự đại sứ quán, trong đó có Xinhua, CGTN, China Radio, China Daily và công ty phát hành báo People’s Daily tại Mỹ. Mỹ cáo buộc các cơ quan truyền thông này đóng vai trò như công cụ tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc, do vậy phải đăng ký hoạt động giống như các cơ sở ngoại giao.
“Toàn bộ 9 cơ quan này đều bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát mạnh mẽ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết.
Theo quy định, các cơ quan truyền thông Trung Quốc lọt vào danh sách kiểm soát của Mỹ sẽ phải thông báo toàn bộ thông tin chi tiết về nhân sự cũng như giao dịch bất động sản tại Mỹ.
“4 cơ quan này không phải là cơ quan truyền thông. Họ là các cơ quan tuyên truyền”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nói với các phóng viên.
Hiện chưa rõ Mỹ có yêu cầu 4 cơ quan truyền thông của Trung Quốc phải giảm số lượng nhân viên tại Mỹ như từng làm với 5 cơ quan truyền thông trước đây hay không.
Hồi tháng 3, chính quyền Trump đã cắt giảm số nhân viên tại các cơ quan truyền thông Trung Quốc ở Mỹ từ 160 người xuống còn 100 người. Đáp lại, Bắc Kinh cũng thu hồi thẻ nhà báo của các phóng viên thường trú làm việc cho New York Times, Wall Street Journal và Washington Post.
Quyết định gần đây của Mỹ liên quan tới các cơ quan truyền thông Trung Quốc là bằng chứng tiếp theo cho thấy, cuộc họp kín diễn ra hồi tuần trước ở Hawaii giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ủy viên Quốc vụ và Ủy viên Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì chưa thực sự hiệu quả trong việc hạ nhiệt căng thẳng song phương.