Máy bay ném bom B-1 của Mỹ, được hộ tống bởi các phi cơ chiến đấu của Hàn Quốc và Nhật Bản, đã tổ chức bay qua bán đảo Triều Tiên trong hôm 3/11, trong một động thái vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của CHDCND Triều Tiên, ngay trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công du tới khu vực này.
Mẫu máy bay ném bom siêu thanh B-1B của Mỹ. (Nguồn: AP).
Hai chiếc máy bay B-1B Lancers cất cánh từ căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam đã gia nhập cùng phi cơ chiến đấu Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia vào cuộc tập trận phối hợp được lên kế hoạch từ trước. "Nhiệm vụ tăng hiện diện máy bay ném bom" được lên kế hoạch từ trước và "không nhằm phản ứng trước bất kỳ sự kiện nào", theo tuyên bố của lực lượng Không quân Mỹ.
Các máy bay ném bom B-1 của Mỹ cất cánh từ đảo Guam thường xuyên xuất hiện gần bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bình Nhưỡng. Trong hôm 3/11, Bình Nhưỡng một lần nữa đưa ra phản ứng mạnh mẽ về sự việc này, trong đó hãng thông tấn nhà nước KCNA cáo buộc rằng cuộc tập trận này là cuộc thử nghiệm cho một đòn tấn công hạt nhân bất ngờ.
"Nước Mỹ đang liên tiếp đưa ra mối đe dọa hạt nhân điên cuồng của họ và đe dọa Triều Tiên bằng mọi giá" - KCNA nói trong một bài viết - "Mới đây họ lại thành lập một đội máy bay ném bom hạt nhân chiến lược B-1B xuất phát từ căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam để bí mật bay tới Hàn Quốc, chuẩn bị cho đòn tấn công hạt nhân nhằm vào Triều Tiên".
Sự việc xảy ra sau khi 2 hàng không mẫu hạm Mỹ gia nhập cùng tàu USS Ronald Reagan đang đóng tại Nhật Bản vào hồi tuần trước.
Lầu Năm Góc nói rằng việc triển khai 3 hàng không mẫu hạm cùng các nhóm hộ tống đã được lên kế hoạch từ lâu, trong lúc mà tàu USS Nimitz đang phải trở lại bờ biển phía Tây của Mỹ sau khi thực hiện nhiệm vụ ở Trung Đông.
Tuy nhiên, Chỉ huy Lực lượng chung của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tướng Kenneth McKenzie Jr., hồi tuần trước nói với báo giới rằng 3 hàng không mẫu hạm này sẽ tham gia vào một cuộc tập trận chung dự kiến tổ chức vào ngày 13/11 để thể hiện khả năng sức mạnh đặc biệt của chúng. Sự hội tụ của 3 hàng không mẫu hạm trong cùng khu vực Thái Bình Dương là chưa từng có trước đây.
Giới phân tích cho rằng cả 3 loại khí tài mà Mỹ đã triển khai tới Thái Bình Dương - hàng không mẫu hạm, tàu ngầm, máy bay ném bom - sẽ đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ đòn tấn công nào có thể xảy ra nhằm vào Triều Tiên.
Được biết mẫu máy bay ném bom siêu thanh B-1 được xem là "xương sống" của hạm đội ném bom tầm xa chiến lược của Không quân Mỹ và có khả năng mang theo lượng đạn dược lớn nhất trong số các mẫu máy bay ném bom. Tuy nhiên, B-1 không hề được trang bị vũ khí hạt nhân.
Mỹ hiện đang duy trì sự hiện diện quân sự khá lớn gần bán đảo Triều Tiên ngay trước chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới khu vực này bắt đầu vào tuần tới.
Hôm đầu tuần này, giới chức ba nước Mỹ-Nhật-Hàn đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi Triều Tiên "ngừng đưa ra các hành động khiêu khích thiếu trách nhiệm" và từ bỏ "con đường tự hủy diệt" của phát triển vũ khí hạt nhân. Cũng trong ngày hôm đó, 2 phi cơ chiến đấu F-35 đầu tiên trong số 12 chiếc của Mỹ đã tới Okinawa, Nhật Bản, nơi mà mẫu phi cơ chiến đấu thế hệ thứ 5 này bắt đầu đợt triển khai kéo dài 6 tháng tới Nhật.
Cuối tuần trước, Không quân Mỹ cũng triển khai một trong số những máy bay ném bom tàng hình B-2 của họ tới Thái Bình Dương, theo một tuyên bố của Bộ chỉ huy Chiến lược Mỹ. Máy bay ném bom này cất cánh từ căn cứ không quân ở Missouri, tuy nhiên vẫn chưa rõ nó sẽ được triển khai tới vị trí nào.
Các máy bay ném bom B-2 trước đây từng hoạt động tại căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam và đảo Diego Garcia trên biển Ấn Độ Dương. Trong năm 2013, máy bay mẫu này từng cất cánh từ Missouri tới Hàn Quốc để tham gia các cuộc tập trận.
Giới chuyên gia cho rằng sự hiện diện của phi cơ Mỹ trên bán đảo Triều Tiên trong khoảng thời gian gần đây nhằm gửi thông điệp cảnh báo tới Bình Nhưỡng trước chuyến công du của Tổng thống Trump tới châu Á.
Adam Amount, chuyên gia phân tích an ninh thuộc Liên hiệp các Nhà khoa học Mỹ, cho rằng các hành động mới đây mà Mỹ đưa ra "dường như dựa trên ý tưởng rằng nâng rủi ro xảy ra một cuộc chiến có thể buộc Triều Tiên phải làm theo những đề nghị của Washington", bất chấp thực tế hiện nay.
"Suốt 10 tháng liên tiếp đưa ra lời đe dọa cùng các hành động khiêu khích cho thấy Bình Nhưỡng không thể bị đe dọa như vậy để từ bỏ vũ khí hạt nhân được" - ông Amount nhận định.