Ngay từ năm 1941, khi nước nhà chưa giành được độc lập, tại số 106 Báo Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.
Trẻ em là tương lai của mỗi gia đình, dòng họ, cũng là tương lai của dân tộc, của đất nước. Nói rộng ra là tương lai của nhân loại. Chăm sóc trẻ em vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của người lớn. Nhưng không phải ở đâu, lúc nào người ta cũng ý thức được việc đó. Vì thế, nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 năm nay, xin được trở lại với câu chuyện… trẻ con.
Hình ảnh đẹp tình cô trò ở huyện miền núi Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.
Chuyện trẻ con nhưng hóa ra lại là chuyện người lớn. Vậy nên ngày 27/5 vừa qua, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Tại phiên họp trực tuyến, với 47 vị ĐBQH phát biểu ý kiến, 2 vị ĐBQH tranh luận và 6 vị ĐBQH đã đăng ký nhưng do thời gian không đủ nên không phát biểu được - cho thấy chuyện trẻ con hóa ra lại rất hệ trọng. Đáng chú ý, trong các phát biểu của ĐBQH người ta nhận thấy rất rõ tình hình xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau, không chỉ ở vùng khó khăn mà cả ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, không chỉ người lạ mà thật đau lòng là ngay cả những người thân thích, ruột thịt của trẻ em, những người có bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em như cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ cơ sở bảo trợ trẻ em… cũng lại có hành vi bạo hành với “búp trên cành”. Và cũng thật day dứt khi mà phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp, như: Xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lạm dụng trẻ em vào một số hoạt động trái pháp luật…
Thật đáng tiếc, theo bà Mai Thị Phương Hoa (ĐBQH đoàn Nam Định) thì số vụ bạo lực đối với trẻ em bị phát hiện, xử lý không nhiều so với số vụ xâm hại tình dục trẻ em (857 trẻ, chiếm 9,84% tổng số trẻ bị xâm hại). Trong đó, nhiều trường hợp do chính bố mẹ, người thân các em gây ra. Bà Hoa cho rằng đây là nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội. Bạo lực đối với trẻ em sẽ để lại di chứng suốt cuộc đời của một con người.
Cũng thật đáng buồn nữa là ngay trong thời điểm Quốc hội bàn thảo về phòng, chống xâm hại trẻ em và khi Ngày Quốc tế thiếu nhi đã cận kề, thì cũng lại có những vụ bạo hành trẻ em rất nghiêm trọng. Một vụ ở Quảng Bình, một vụ ở Sóc Trăng.
Ngày 29/5, ở thôn 10 (xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã xảy ra một việc quá đau lòng: Một bé gái 12 tuổi bị gia đình trói 2 tay sau thùng ôtô đỗ ngoài đường rồi đánh đập vì nghi cháu trộm tiền. Nhiều người đi đường thấy bất nhẫn quá đã can ngăn và đến tháo dây trói cho cháu bé nhưng “đại diện gia đình” lại không cho.
Còn tại Sóc Trăng, cũng trong ngày 29/5, người cha bạo hành con gái ruột 6 tuổi cũng đã bị khởi tố về tội hành hạ người khác theo Điều 185 Bộ luật Hình sự. Vụ việc xảy ra trước đó 1 ngày, ngày 28/5, người cha đã rượt đuổi và dùng cây đánh con gái, dù cháu bé cố tìm đường thoát thân những không sao thoát nổi. Và rồi, nhẫn tâm nhất là cảnh người cha trói con gái mới 6 tuổi đầu vào cột nhà và tiếp tục đánh con một cách dã man. Mà lý do cũng thật đơn giản: Cháu bé lấy gạo đổ vào cát để nghịch bị cha đẻ ra cháu cho… ăn đòn.
Nhiều chục năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành những ưu ái tốt nhất cho trẻ em, thể hiện qua rất nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật. Xã hội cũng dần thay đổi cách hành xử với trẻ em. Các cháu không còn là đối tượng để người lớn trút giận. Quan niệm “thương cho roi cho vọt” trước đây đã được hiểu là nghiêm khắc trong giáo dục, uốn nắn trẻ chứ không phải là cụ thể dùng cây roi trừng trị; cũng không phải cứ “ngứa mắt” thì bợp tai, đá đít. Đa số trẻ em đã được lớn lên trong vòng tay thương yêu của các bậc cha mẹ, trong tình thương mến của thầy cô giáo.
Nhưng thật đáng buồn, đáng lo là tình trạng xâm hại trẻ em vẫn còn đó, nó hiển hiện như một vết thương không lành trong lòng xã hội. Đáng nói nhất và cũng đáng sợ nhất là trẻ em bị chính người thân trong gia đình hành hạ, xâm hại. Là cha là mẹ, là anh là chị nhưng lại đang tâm đánh đập con em mình, khủng khiếp hơn lại có trường hợp quái đản người cha xâm hại tình dục chính con gái của mình. Đó là hành động của loài cầm thú.
Vì sao những hành vi vô nhân vô luân ấy vẫn tồn tại? Với hành vi mất hết tính người ấy, không chỉ là lên án mà phải trừng trị.
Trở lại với phiên họp Quốc hội ngày 27/5, nhiều vị ĐBQH cho rằng, về mặt pháp luật, Việt Nam có hệ thống văn bản pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ trẻ em, trong đó có những chế tài nghiêm khắc về hình sự và hành chính, nếu thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành thì công tác phòng, chống bạo lực trẻ em đã có thể tốt hơn rất nhiều. Cần xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trẻ em để tạo sự răn đe. Người bạo hành trẻ dù là ruột thịt cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Đối với những trường hợp cụ thể, ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị bố hoặc mẹ bạo hành thì phải cách ly bé khỏi người bố hoặc người mẹ đó ngay lập tức và giao trẻ cho những người thân khác chăm sóc. Trường hợp không có người thân nào khác, thì chính quyền có trách nhiệm tạm thời chăm sóc, giáo dục trẻ.
Nói như ĐBQH Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) thì cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt ở xã, thôn trong việc xây dựng gia đình an toàn. Vì rằng, thực tế chính quyền ở một số địa phương còn thờ ơ, chưa thật sự quan tâm tới nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em.
Hay đó là chuyện của mỗi gia đình? Không, không thể như thế được vì “trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, không thể để thể xác và tâm hồn trẻ em bị què quặt. Vì làm thế chẳng khác nào “nã đại bác vào tương lai”. Nói như ĐBQH Nguyễn Hồng Vân (đoàn Phú Yên) thì một khi cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn chưa nhận thức đầy đủ thì làm sao nhân dân có thể nhận thức đầy đủ để phòng, chống xâm hại trẻ em?