Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2017 diễn ra tại trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM) mới đây, PGS TS Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD&ĐT cho biết: Dự thảo quy chế tuyển sinh đưa ra lấy ý kiến của xã hội với dự kiến Bộ GD&ĐT sẽ không quy định điểm sàn chung nữa mà để cho các trường tự xác định điểm sàn của từng trường. Bộ chưa quyết định sẽ bỏ điểm sàn trong năm 2017.
Ảnh minh họa.
Lý giải về vấn đề này, bà Phụng cho rằng Bộ đưa ra dự kiến này bởi vì xét trên phạm vi tổng thể các trường tốp cao luôn lấy trên mức điểm sàn nên gần như không quan tâm nhiều đến điểm sàn.
Còn các trường không ở tốp cao thì đã kết hợp với hình thức xét tuyển bằng học bạ của cả quá trình 3 năm học THPT, không chỉ dựa vào kết quả của một kỳ thi. Vì vậy, 2 năm gần đây điểm sàn không còn nhiều ý nghĩa đối với việc xét tuyển.
“Vì vậy, Bộ GD&ĐT thấy rằng có thể đến thời điểm không cần thiết quy định điểm sàn chất lượng mà mở rộng quyền tự chủ giao cho các trường tự xác định điểm sàn riêng phù hợp điều kiện tuyển sinh của trường mình”- bà Phụng nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, theo bà Kim Phụng, dù giao quyền tự chủ cho các trường nhưng vẫn kết hợp hàng loạt các quy định khác về công khai thông tin.
Trong dự thảo quy chế tuyển sinh có phụ lục đề án tuyển sinh của các trường, trong đó phải công bố các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ học tập, giảng dạy, quy mô đào tạo, tỷ lệ việc làm của sinh viên sau 12 tháng tốt nghiệp; điểm chuẩn trúng tuyển của 2 năm liền kề…
Tất cả những công bố đó sẽ xác định điều kiện chất lượng của trường đó. Do đó, việc Bộ không quy định điểm sàn chung sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng chung.
Đồng thời, chỉ tiêu tuyển sinh luôn luôn là một con số hữu hạn và năm nay cũng khoảng 400.000 chỉ tiêu. Do đó, Bộ không quy định điểm sàn không ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào ĐH. Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ lắng nghe ý kiến thí sinh, phụ huynh để có một quyết định hợp lý nhất.
PGS TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, năm nay, thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc với đăng ký dự thi THPT quốc gia. Sau khi có kết quả thì các trường ĐH công bố điểm sàn của trường mình thì thí sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng mình đã đăng ký phù hợp với số điểm đạt được cũng như công bố của các trường.
Cũng theo bà Phụng, theo nguyên tắc thì điểm sàn là điểm không được hạ xuống dù trường tuyển vào có thiếu chỉ tiêu hay không.
Trước đó, tại một hội nghị ở Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định cho tới thời điểm này, vẫn chưa quyết định có bỏ điểm sàn hay không.
“Tôi sẽ lắng nghe ý kiến một cách toàn diện nhưng không để rơi vào tình trạng “đẽo cày giữa đường”. Tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát và khi nào tôi tin quyết định bỏ điểm ngưỡng tối thiểu này là đúng thì sẽ ra quyết định và chịu trách nhiệm với quyết định này”- Bộ trưởng khẳng định.