Theo ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) mục tiêu trong năm 2020 sẽ đưa được 130.000 lao động làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, ngoài việc tập trung vào thị trường truyền thống, sẽ khuyến khích người lao động làm việc tại các thị trường châu Âu, nhất là CHLB Đức. Trong đó tập trung chủ yếu các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, nhà máy…
Năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 130.000 lao động làm việc ở nước ngoài.
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước,Việt Nam có khoảng 650.000 lao động làm việc ở nước ngoài tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt 152.530 lao động, trong đó thị trường Nhật Bản là 82,703 lao động, Đài Loan là 54,480 lao động, Hàn Quốc là 7.215 lao động…
Một số thị trường lao động truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Một số thị trường châu Âu bắt đầu có nhu cầu tiếp nhận lao động từ Việt Nam như Rumani, CHLB Đức, Ba Lan. Riêng đối với thị trường CHLB Đức, tính đến hết năm 2019, đã có hơn 1.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang học tập và làm việc, được phía Đức đánh giá cao.
Trong năm 2020 Việt Nam đặt mục tiêu đưa được 130.000 lao động làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao. Tuy nhiên theo ông Tống Hải Nam để hoàn thành mục tiêu này, ngoài việc tập trung vào thị trường truyền thống thì Bộ LĐTB&XH sẽ có các giải pháp, chính sách mở rộng cũng như khuyến khích người lao động làm việc tại các thị trường châu Âu, nhất là CHLB Đức. Tập trung chủ yếu các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, nhà máy. “Luật Nhập cư mới của Đức chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2020 sẽ cho phép các doanh nghiệp Đức được tiếp nhận lao động đến từ các nước ngoài EU trong một số lĩnh vực như: Xây dựng, điện, cơ khí, nông nghiệp, nhân viên kỹ thuật y tế, điều dưỡng. Dự kiến trong năm 2020, Bộ LĐTB&XH sẽ ký với cơ quan lao động của CHLB Đức thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại CHLB Đức trong 12-13 ngành nghề đang có nhu cầu” – ông Nam cho biết.
Đáng chú ý theo ông Tống Hải Nam, trong năm 2020, Cục sẽ hạn chế đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại một số nghề có tiền lương, điều kiện làm việc chưa tốt, phát sinh thời gian qua như giúp việc gia đình tại Ả rập Xê Út và hộ lý trình độ thấp, lao động xây dựng đi châu Âu.
Minh bạch thông tin XKLĐ
Thực tế cho thấy chất lượng các chương trình đưa lao động đi làm việc theo hợp đồng cũng có chuyển biến rõ rệt, thu hút nhiều lao động có kỹ năng cao. Số lượng lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… tiếp tục tăng. NLĐ quan tâm đến nhiều chương trình di cư lao động như: Cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS), thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (Chương trình IM Japan); đưa ứng viên điều dưỡng hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản; đưa điều dưỡng Việt Nam sang làm việc tại Đức…
Đáng chú ý, nhiều DN phái cử Việt Nam đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, khai thác hợp đồng và phát triển thị trường lao động ngoài nước, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho NLĐ Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Chia sẻ về giải pháp nâng cao chất lượng XKLĐ trong năm 2020, ông Tống Hải Nam cho biết, Cục sẽ quán triệt đến các đơn vị tham gia xuất khẩu lao động phải lưu ý công tác tuyển chọn ban đầu; ưu tiên địa bàn Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long- bởi đây là thị trường bền vững và tiềm năng. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế, cụ thể là dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) cũng được trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội. Hiện nay, dự thảo Luật sửa đổi lần thứ nhất đã lấy ý kiến của các chuyên gia, DN cũng như người dân quan tâm tới tháng 2/2020. Đặc biệt Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tăng cường hơn nữa thông tin cho các vùng khó khăn để người lao động có thể tiếp cận được những thông tin về việc làm ngoài nước một cách chính thống.