Sáng ngày 29/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Diễn đàn thường niên về cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ 3.
Tại Diễn đàn, TS Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế - Cố vấn quốc tế cao cấp của UNDP phân tích, không chỉ khó khăn đến từ dịch bệnh, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc tận dụng sự tham gia vào các mạng lưới này để nâng cao giá trị gia tăng trong nước và phát triển năng lực của các doanh nghiệp trong nước. Việc chuyển đổi từ một quốc gia dư thừa lao động, chuyên sử dụng lao động giá rẻ sang một nền kinh tế có công nghệ tiên tiến cũng mang đầy rủi ro. Quan trọng là phải tìm ra những cách vượt qua khó khăn này.
Vậy đâu là giải pháp để vượt qua những rủi ro, thách thức? Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới đề nghị, Việt Nam cần tập trung vào 5 ưu tiên dài hạn, đó là lao động có kỹ năng, công nghệ mới, hạ tầng kết nối, mở cửa dịch vụ và các hoạt động phát triển sạch và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, có như vậy mới thúc đẩy phát triển được.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Việt Nam phải chủ động đưa ra đường hướng chiến lược, các quyết sách cho tương lai phát triển của đất nước. Đặc biệt, để khắc phục tồn tại, khó khăn và tận dụng được những tiềm năng và cơ hội. Muốn làm được điều này, nhất thiết cần có được tư duy đột phá, quyết tâm và táo bạo, dám nghĩ, dám làm; phải có tư duy vượt lên trước chứ nhất quyết không chịu đi theo, đi sau. Chỉ khi đó mới có thể nắm chặt lấy các cơ hội, bắt kịp, tiến cùng sự phát triển của thế giới. Ngược lại, nếu không nhanh chóng tận dụng thời cơ và đổi mới tư duy, thì nguy cơ tụt hậu, khoảng cách phát triển của Việt Nam với các quốc gia sẽ ngày càng lớn hơn.