RCEP - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực tiếp tục là một Hiệp định thương mại lớn mà Việt Nam vừa ký kết.
Ở đó, có rất nhiều cơ hội mở ra cho hàng hóa xuất khẩu của nước nhà, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh như nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, đi kèm cơ hội cũng không ít thách thức, áp lực…
Hiệp định RCEP vừa được ký bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và năm quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do là: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand mở ra nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt.
Theo đó, Với RCEP, doanh nghiệp (DN) Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, áp lực cũng không hề nhỏ, đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp. Cụ thể, khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ trở thành thị trường nhập khẩu nông sản lớn từ các nước trong RCEP, bởi vậy, những áp lực cạnh tranh với các đối thủ mạnh về nông nghiệp ngay tại sân nhà cũng rất lớn.
Đối với các sản phẩm nông, lâm thủy sản, khu vực kinh tế RCEP có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam, RCEP với các sản phẩm hàng hóa khá tương đồng sẽ khiến cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội khối ngày càng gay gắt.
Với Việt Nam, cạnh tranh không chỉ đến từ khu vực xuất khẩu mà còn ngay tại thị trường trong nước khi hàng hóa nước ngoài giá rẻ, chất lượng tốt ồ ạt tràn vào. Phân tích rõ hơn vấn đề này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm xuất khẩu nước ta đều ở mức độ khá khiêm tốn. Trong khi đó, các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự như nước ta nhưng lại có năng lực cạnh tranh mạnh cao hơn chúng ta. Điều đó dẫn đến khi thực thi Hiệp định này thì sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng.
Bên cạnh đó, theo ông Thái, mặc dù nỗ lực để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm xuất khẩu. Song đến nay, “đầu vào” của nền sản xuất vẫn phải nhập khẩu. Yếu tố này cũng là rào cản để DN Việt có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thị phần khốc liệt ngay chính tại “sân nhà”.
Trước áp lực cạnh tranh lớn đến từ Hiệp định này, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN Việt Nam cần nghiên cứu kỹ cam kết của Hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình.
Theo ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, có hai mảng chính mà DN Việt cần phải rất chú trọng: Một là, về mặt xuất khẩu hàng hóa đi, chúng ta cần quan tâm đến lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia Hiệp định, quy tắc xuất xứ của Hiệp định, các quy định về vệ sinh kiểm dịch, rào cản kỹ thuật. Hai là, chúng ta cần xem việc cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc ký kết hiệp định lớn có hai mặt. Một mặt là hàng hóa của chúng ta có khả năng xuất khẩu sang nước khác, dịch vụ vươn ra được thị trường thế giới. Mặt khác thị trường Việt Nam cũng sẽ phải đón nhận hàng hóa từ nước ngoài, nên chúng ta phải có mức độ mở cửa thị trường phù hợp.
Do đó, doanh nghiệp luôn phải “định vị” cho mình chiến lược phòng thủ và tấn công. Theo đó, về ngắn hạn, các DN cần chuẩn bị cho mình chiến lược phòng thủ bằng cách củng cố thị trường trong nước, nâng cao chất lượng mặt hàng, nhận diện thương hiệu của mình chuẩn xác. Với chiến lược tấn công, DN phải xây dựng sẵn cho mình kế hoạch mở cửa thị trường để có thể đưa hàng hóa, sản phẩm của chúng ta ra các thị trường đó ngay khi Hiệp định được thực thi.
Hiệp định RCEP bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và năm quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do là: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo ra thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.