Mặt trận

Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân

Lê Anh 01/07/2024 10:26

Vai trò giám sát, phản biện xã hội của HĐND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên tại TPHCM được thể hiện rõ thông qua việc góp ý, hiến kế được chính quyền tiếp thu và hiện thực hóa trên thực tiễn.

bai-chinh(1).jpg
Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức “hậu” giám sát tình hình thực hiện thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố ở cơ sở vào đầu tháng 6/2024. ẢNh: L. Anh.

Tại buổi làm việc giữa Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội quận 4 mới đây, ông Lý Tấn Hòa - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 4 cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn quận đã phối hợp thực hiện 52 cuộc giám sát, phản biện xã hội và 67 hội nghị nhân dân. Các cuộc giám sát đã ghi nhận hơn 200 lượt ý kiến, kiến nghị, đề xuất. Đáng chú ý, các nội dung, lĩnh vực sau khi được MTTQ tổng hợp ý kiến, đều được UBND quận và các cơ quan, đơn vị liên quan ghi nhận, tiếp thu và có văn bản phản hồi. Không chỉ riêng quận 4, ngay sau khi triển khai Nghị quyết 11/2024 của HĐND TPHCM về thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố, MTTQ và HĐND các cấp của TPHCM đã chủ động thực hiện “hậu” giám sát để nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Ngay từ đầu tháng 6/2024, Đoàn khảo sát do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM Nguyễn Thị Kim Thúy làm Trưởng đoàn đã khảo sát tình hình triển khai thực hiện việc thành lập, chia tách, sáp nhập, đổi tên khu phố tại cơ sở. Kết quả khảo sát, MTTQ thành phố đã ghi nhận, tiếp thu nhiều kiến nghị, góp ý của cử tri, nhân dân về các khó khăn, vướng mắc liên quan. Trong đó, vấn đề khó khăn nhất là thiếu quy chế hướng dẫn, kinh phí hoạt động “hậu” sắp xếp khu phố; một số khu phố, ấp chưa được bố trí kinh phí hoạt động, các thành viên chưa nhận được phụ cấp hàng tháng theo quy định; các chức danh cho nghỉ rất tâm tư, cũng chưa được hưởng phụ cấp, tri ân...

Thực tế quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn TPHCM, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tham gia giám sát và phản biện xã hội ngay từ khi dự thảo phương án sắp xếp. Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 của TPHCM ngày 25/6, ông Lâm Tấn Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 11 cho rằng, việc sắp sếp đơn vị hành chính cần đánh giá tác động các vấn đề liên quan có khả năng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân. Đây là khâu rất quan trọng, để đảm bảo quá trình triển khai sắp xếp không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, cần phải phân công các cơ quan chịu trách nhiệm phải giải quyết, chủ động giải quyết ngay từ đầu. Nhiều ý kiến cũng đề nghị MTTQ cần nâng cao vai trò giai đoạn “hậu” giám sát để kịp thời kiến nghị, tháo gỡ cho các khó khăn ở cơ sở. Qua đó, vừa giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân, vừa giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực để phục vụ hành chính công.

Theo Luật sư Trương Thị Hòa, ngoài vai trò của các cơ quan giám sát như HĐND, MTTQ thì quá trình tổ chức triển khai thực hiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 của TPHCM cần phải được cung cấp công khai, minh bạch cho các cơ quan báo chí. Thông qua truyền thông, báo chí, cũng là kênh quan trọng để giúp tạo sự đồng thuận trong xã hội, đồng thời cũng giám sát, phản biện kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, không thể phủ nhận vai trò “hậu” giám sát của các cơ quan HĐND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Các tổng hợp ý kiến của cử tri, nhân dân đã góp phần giúp chính quyền hoàn thiện chính sách và hiện thực hóa công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực cuộc sống. Dù vậy, hiện nay cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức đoàn thể còn mỏng, phân công lồng ghép, kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Do đó, để nâng cao chất lượng công tác giám sát, cần phải có sự quan tâm, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, bên cạnh việc lựa chọn vấn đề, nội dung giám sát, phản biện xã hội. Khi yếu tố con người được đảm bảo, sẽ quyết định phương pháp, cách thức giám sát đi vào thực chất, hiệu quả và phát huy vai trò của các tổ chức thành viên của MTTQ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân