Đây là tình trạng được lãnh đạo Sở Y tế Nam Định, cán bộ chuyên môn phản ánh tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 7, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin tỉnh tổ chức chiều 29/7.
Cụ thể theo ông Trần Ngọc Minh, Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Định, qua rà soát ban đầu của các huyện, thành phố, toàn tỉnh có 145.773 người đủ điều kiện đăng ký tiêm vaccine phòng Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đến nay, tỉnh đã tiêm được 94.735 liều, đạt tỷ lệ 65%.
Đáng nói, theo ông Trần Ngọc Minh, thời gian qua do tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát nên có một bộ phận người dân và các cơ quan, đơn vị chủ quan, không muốn tiêm chủng, gây khó khăn trong việc dự trù và cung ứng vaccine, tổ chức tiêm chủng tại cộng đồng
“Trong tháng 6 năm 2022, tỷ lệ người dân đến tiêm chủng theo danh sách đã đăng ký chỉ đạt 30 - 40% dẫn đến thừa vaccine, Sở phải đề nghị với Trung ương điều chuyển vaccine cho các tỉnh khác dẫn đến tâm lý dè dặt trong công tác đăng ký đối tượng và tổ chức tiêm chủng”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Định cho hay.
Ông Minh thêm rằng “Vaccine có hạn sử dụng ngắn, thời gian sử dụng sau khi rã đông là 30 ngày, đòi hỏi công tác tổ chức tiêm chủng phải khoa học, đúng thời gian mới sử dụng hết, không phải hủy bỏ”.
Liên quan đến nội dung này, bác sĩ Lại Tuấn Anh, Trường khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (CDC Nam Định) cho biết, tỉ lệ tiêm vaccine mũi 4 ở Nam Định còn thấp, thời gian qua tỉnh 2 lần phải “giải cứu” vaccine (xin điều chuyển cho tỉnh khác) có nhiều nguyên nhân.
Trong đó, ngoài nguyên nhân người dân có tâm lý chủ quan sau khi dịch được kiểm soát có nguyên nhân khách quan người dân Nam Định đi làm ăn xa nhiều; thời gian qua là thời điểm học sinh nghỉ hè, có một lượng lớn đối tượng là học sinh lớp 12 đã thi xong, kết thúc khóa học, không còn ở lại trường; đặc biệt là nhiều bậc phụ huynh có tâm lý e dè khi tiêm vaccine cho con nhỏ…
Ngoài ra, việc thống kê người tiêm mũi 4 cũng gặp khó khăn khi trước đó có một số người đã tiêm 3 mũi nhưng loại vaccine đã tiêm (của Trung Quốc và của Nga) theo chuyên môn chỉ được tính là tiêm 2 mũi, trong khi người đã tiêm cho rằng đã tiêm đủ 3 mũi, không có nhu cầu tiêm thêm, cán bộ y tế rất khó giải thích, thuyết phục…
Bác sĩ Lại Tuấn Anh nhìn nhận, nguồn vaccine của tỉnh có đủ số lượng, năng lực tiêm chủng hoàn toàn đảm bảo tiến độ, vấn đề là phải mời được người trong diện tiêm chủng đến các điểm tiêm chủng.
Từ đó, Trưởng khoa Phòng chống bệnh lây nhiễm (CDC Nam Định) cho rằng, để đảm bảo tiến độ cần phải có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, huy động người dân đi tiêm chủng…
Về giải pháp nâng cao tỷ lệ tiêm chủng mũi 4, đảm bảo tiến độ tiêm ở địa phương, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Định Trần Ngọc Minh, tháng 8 sẽ là tháng cao điểm triển khai tiêm mũi 4 cho các đối tượng vì đã đến thời hạn phải đạt tỷ lệ trên 90%.
Để đạt được kết quả trên, Sở sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố trong tỉnh tiếp tục rà soát các đối tượng có đủ điều kiện tiêm để dự trù vaccine, tiến hành tổ chức tiêm.
Đồng thời phối hợp với Sở GDĐT triển khai tiêm cho đối tượng 5 đến dưới 12 tuổi, mũi 3 cho đối tượng 12 đến 17 tuổi, mũi 4 cho đội ngũ giáo viên trong tỉnh.
Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền giáo dục và vận động người dân, các đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục đăng ký và tiêm chủng vaccine mũi 4 phòng Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Liên quan đến việc ổn định tổ chức, bộ máy, hoạt động của CDC Nam Định sau khi tại đơn vị này xảy ra việc Giám đốc và 4 cán bộ bị bắt, khởi tố do liên quan đến Công ty Việt Á, Phó Giám đốc Sở Y tế Nam Định Trần Ngọc Minh cho biết ngay sau khi vụ việc xảy ra, Ban lãnh đạo Sở đã phân công ông phụ trách Trung tâm này.
“Thời gian qua chúng tôi đã kiện toàn lại đội ngũ cán bộ các khoa phòng và thực hiện một số công việc khác, riêng hoạt động của bộ phận phòng chống bệnh truyền nhiễm không bị ảnh hưởng, vẫn vận hành tốt, đáp ứng yêu cầu công tác tiêm chủng”, ông Trần Ngọc Minh cho hay.
Tại Hội nghị giao ban, trả lời câu hỏi của PV Đại Đoàn Kết Online về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, xảy ra ở nhiều cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh thời gian qua, ông Trần Ngọc Minh cho biết sau một thời gian tích cực chuẩn bị công tác chấm thầu, đến ngày 15/7 vừa qua, Sở đã lựa chọn, ký kết được hợp đồng khung với các đơn vị cung cấp.
Từ đó đến nay các cơ sở y tế công lập đã có thể ký hợp đồng mua bán thuốc, vật tư y tế đối với các đơn vị cung cấp.
Về câu hỏi, sau 15 ngày hợp đồng khung được ký, đến nay các cơ sở y tế công lập ở tỉnh bị thiếu thuốc, vật tư y tế đến nay đã có đủ hay chưa, ông Trần Ngọc Minh cho hay ông không được giao phụ trách lĩnh vực này nên không thể trả lời.
Vấn đề giải quyết quyền lợi cho nhiều người dân có thẻ BHYT nhưng thời gian qua khi đến bệnh viện khám, chữa bệnh phải ra ngoài, tự bỏ tiền mua thuốc, vật tư y tế do bệnh viện không có, được các PV nêu chưa được lãnh đạo Sở Y tế Nam Định thông tin, lý giải tại Hội nghị.