Theo tinh thần chỉ đạo, trong một tháng tới, nếu các doanh nghiệp không tự tháo dỡ, chính quyền cơ sở ở Nam Định sẽ cưỡng chế theo quy định.
Ngày 26/5, thông tin từ Văn phòng Huyện ủy huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) cho biết, Huyện ủy huyện này vừa ra văn bản chỉ đạo UBND huyện, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn trong huyện thực hiện các biện pháp “rắn” để xử lý tình trạng vi phạm hành lang đê điều, hành lang thoát lũ trên địa bàn huyện.
Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu UBND huyện phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định; của Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy về quản lý đất đai; ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn huyện; chỉ đạo quyết liệt, xử lý dứt điểm các vi phạm.
Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hưng yêu cầu UBND huyện này phải “kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp Đức Chiến, Thủy Nguyên, Hà Thành và Hải Thắng (nằm trên địa bàn các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Phong và Phúc Thắng-PV) tự tháo dỡ các công trình (trạm trộn bê tông, nhà điều hành,…) vi phạm hành lang đê điều, thoát lũ”.
Thêm rằng: “Nếu các doanh nghiệp không tự tháo dỡ thì yêu cầu UBND các xã có liên quan tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thành và báo cáo về Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND tỉnh chậm nhất vào ngày 25/6/2023”.
Chỉ đạo của Huyện ủy Nghĩa Hưng đưa ra trong bối cảnh thời gian qua báo chí liên tục phản ánh tình trạng vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ trên địa bàn tỉnh Nam Định nói chung, huyện Nghĩa Hưng nói riêng, trong đó có các hành vi phá barie bảo vệ đê, xây nhà, dựng trạm trộn bê tông trái phép. Có những doanh nghiệp vi phạm, bị lập biên bản xử lý vi phạm từ nhiều năm trước nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp pháp luật.
Đồng thời đưa ra trong bối cảnh thời gian qua UBND Nam Định liên tiếp ban hành các văn bản hối thúc các sở ngành liên quan, chính quyền các huyện, thành phố trong tỉnh thực thi trách nhiệm bảo vệ, xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ đê điều.
“Gắn trách nhiệm người đứng đầu, nhất là đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc để xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra trên địa bàn mà không kịp thời phát hiện, xử lý hoặc xử lý không kiên quyết, để tồn đọng, kéo dài”, văn bản UBND tỉnh Nam Định ban hành ngày 16/5 mới đây nhấn mạnh.
Liên quan tình trạng vi phạm đê điều, hành lang thoát lũ ở Nam Định, trong báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định ngày 11/5, Công an tỉnh Nam Định cho biết, trên các tuyến đê sông thuộc địa bàn tỉnh hiện có 305 bến bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng nhưng chỉ có 64/305 bãi có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang an toàn đê điều.
Không chỉ doanh nghiệp, người dân có ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ đê điều kém, tình trạng vi phạm còn xảy ra ngay chính trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, cụ thể là tình trạng: cho thuê đất trong hành lang bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào hành lang bảo vệ đê điều, mái đê, hành lang thoát lũ, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến việc người dân tự ý chuyển đổi sử dụng đất sai mục đích.
“Nếu các doanh nghiệp không tự tháo dỡ thì yêu cầu UBND các xã có liên quan tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Thời gian hoàn thành và báo cáo về Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND tịnh chậm nhất vào ngày 25/6/2023”, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hưng (Nam Định).
Việc cấp phép của một số ngành, địa phương không đúng quy định, thẩm quyền. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành ở địa phương trong quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa chặt chẽ, kịp thời; một số địa phương né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; không kiên quyết xử lý, ngăn chặn kịp thời tình trạng xây dựng công trình, tập kết vật liệu xây dựng trong hành lang bảo vệ đê, thoát lũ, chất thải vật liệu xây dựng cao quá mức cho phép.
Được biết, ngoài hơn 70 km đê biển, địa bàn tỉnh Nam Định còn có hệ thống đê điều của sông Hồng, sông Đáy, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Châu Thành, sông Sò…