Hôm nay, ngày 5/9, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên cả nước tham dự lễ khai giảng, chào đón năm học mới 2020-2021.
Đây là năm học vô cùng đặc biệt không chỉ vì diễn ra sau một kỳ nghỉ hè ngắn hơn mọi năm mà với việc bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở khối lớp 1; dạy và học trong điều kiện tiếp tục phòng, chống đại dịch Covid-19. Vì vậy, năm học mới càng đòi hỏi đổi mới với quyết tâm rất cao.
Háo hức tựu trường
Có lẽ chưa năm nào kỳ nghỉ hè của học sinh lại ngắn như năm nay, chỉ kéo dài hơn 1 tháng do yếu tố dịch bệnh. Nhưng niềm vui ngày trở lại trường không vì thế mà bớt đi ý nghĩa.
Năm nay, học sinh Thủ đô vẫn đón năm học mới theo hình thức trực tiếp. Tuy nhiên, đối với cấp học tiểu học, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, lễ khai giảng được yêu cầu không quá 45 phút, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; không tổ chức diễu hành khi đón học sinh đầu cấp; không thả bóng bay; không tập trung học sinh để tổ chức tổng duyệt trước ngày khai giảng. Tùy theo điều kiện thực tế, nhà trường bố trí số lượng học sinh tham dự khai giảng tập trung cho phù hợp, bảo đảm giãn cách theo quy định.
Tại TP Hồ Chí Minh, lễ khai giảng được tổ chức theo hình thức cử đại diện.
Theo đó, đại diện học sinh các khối lớp tham dự buổi lễ; mỗi lớp từ 10 đến 20 học sinh (riêng học sinh các lớp đầu cấp dự đầy đủ). Chương trình lễ khai giảng (ngắn gọn, khoảng 60 phút) bao gồm: Văn nghệ chào mừng; Nghi thức đón học sinh đầu cấp; Chào cờ, tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu...
Trước đó, sáng 4/9, trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức khai giảng sớm với 850 học sinh đại diện cho 2.300 học sinh của trường tham dự. Đây là 1 trong 3 công trình trường học được xây mới và đưa vào sử dụng của huyện này trong năm học 2020-2021.
Nỗ lực vượt khó
Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 05 giải pháp cơ bản. Trong đó, mục tiêu xuyên suốt là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục. Đối với việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định giáo viên là lực lượng quan trọng quyết định sự thành công. Các địa phương cần làm tốt công tác bố trí, sắp xếp giáo viên đảm bảo số lượng, cơ cấu và chất lượng.
Tuy nhiên, hiện theo tính toán, cấp tiểu học còn thiếu khoảng gần 10.000 giáo viên nữa. Tỷ lệ giáo viên/lớp cũng không đồng đều giữa các vùng miền, ở những “vùng trũng” chỉ khoảng hơn 1,3 giáo viên/lớp.
Khó khăn thứ hai là cần tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo. Thống kê mới nhất của Bộ GDĐT cho thấy, một trong những khó khăn lớn nhất của việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 năm học này là việc đảm bảo sĩ số lớp tối đa 35 em theo quy định trong điều lệ tiểu học. Ở các khu vực đông dân cư, vẫn có những nơi phải chấp nhận sĩ số 50, thậm chí 60 học sinh/lớp sẽ có những ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục.
Đơn cử như tại Hà Nội, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Nội thông tin, để đảm bảo học sinh được học 2 buổi/ngày, TP phải “ép” sĩ số xuống dưới 50 học sinh/lớp. Dù vậy thống kê năm học 2019-2020, Hà Nội vẫn có gần 1.000 lớp ở tiểu học có 55 học sinh/lớp trở lên, hơn 2.000 lớp có sĩ số từ 50 học sinh/lớp trở lên.
Tương tự, tại TP Hồ Chí Minh, hiện có 18/24 quận, huyện đảm bảo cơ sở vật chất tổ chức Chương trình GDPT 2018 theo yêu cầu. 6 quận, huyện không đảm bảo tổ chức 2 buổi/ngày là Gò Vấp, Tân Phú, 12, Thủ Đức, Bình Tân và Bình Chánh. Giải pháp trước mắt các quận, huyện này phải giảm lớp bán trú ở các lớp trên để ưu tiên cho lớp 1 học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, chương trình thực hiện cuốn chiếu nên giải pháp lâu dài vẫn phải xây thêm trường lớp mới đáp ứng yêu cầu.
Bài toán quy hoạch mạng lưới trường lớp ở các thành phố lớn đã đặt ra lâu nay nhưng do thiếu quỹ đất cùng tốc độ tăng dân số quá nhanh khiến các địa phương “trở tay không kịp”.
Giải pháp mới cho những bài toán cũ
Đây là năm đầu tiên thực hiện SGK lớp 1 chương trình GDPT mới. Giá của từng bộ sách đã được công khai phê duyệt song một số trường ngoài SGK vẫn bán kèm thêm sách tham khảo, sách bài tập với giá lên đến gần triệu bạc 1 bộ khiến nhiều phụ huynh có thu nhập trung bình khó xoay xở.
Đặc biệt, năm học này, thêm một nỗi lo về an toàn sức khỏe của cả thầy và trò trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, bệnh bạch hầu… vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù đã có kinh nghiệm ở học kỳ II năm học trước đối phó với dịch bệnh bằng cách học online song hiện tại, hầu hết các tỉnh thành vẫn triển khai học trực tiếp tại trường nên các quy định về phòng chống dịch bệnh cần được nghiêm túc thực hiện, thường xuyên nhắc nhở học sinh để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Song toàn ngành Giáo dục đã thể hiện nỗ lực và quyết tâm cao nhất, đưa ra quyết sách phù hợp, hoàn thành nhiệm vụ với mục tiêu “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Nỗ lực và thành công trong năm học qua tạo đà để ngành Giáo dục vững tin thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm học mới 2020 - 2021, năm mở đầu cho sự thay đổi toàn diện.
Khởi đầu mới, kỳ vọng mới
Năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT mới, cả xã hội đang mong chờ những đột phá mới của ngành Giáo dục. Chúng tôi, những người dành cả cuộc đời gắn bó với giáo dục đang nhìn thấy những những chuyển động tích cực không chỉ ở các cán bộ quản lý giáo dục mà từ chính đội ngũ giáo viên, thậm chí là cả những phụ huynh quan tâm đến nền giáo dục nước nhà. “Trận đầu quyết phải thắng” bởi như quan niệm của ông cha ta, đầu xuôi đuôi lọt. Khởi đầu tốt đẹp để con tàu đổi mới băng băng tới đích”, GS. TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nói.