Đội ngũ giáo viên, những người công tác trong ngành giáo dục mong chờ Luật Nhà giáo sớm được thông qua, để các thầy cô an tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Tạo động lực cống hiến, tận tâm với nghề
Trong năm 2022, Bộ GDĐT đã có dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo; tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo; tạo cơ hội cho thầy cô yên tâm hoạt động nghề nghiệp, cống hiến.
Theo dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT đề xuất một số chính sách. Trong đó có một chính sách đáng chú ý như: định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; phát triển nghề nghiệp nhà giáo…
Dự thảo cũng đề xuất về chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo. Mục tiêu của chính sách là xác định các vấn đề trong chính sách đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng nhà giáo, làm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề.
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Luật Nhà giáo là một bộ luật rất quan trọng và đang trong thời kỳ đề xuất. Bộ sẽ trình, thuyết minh sự cần thiết, định hướng của Bộ luật này trước Chính phủ.
“Chúng tôi mong muốn rằng Bộ luật này sẽ là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, là cơ sở pháp lý để phát triển đội ngũ, là cơ sở chăm lo, chế độ chính sách đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, quản trị đội ngũ nhà giáo theo hướng hệ thống, bài bản, bền vững. Có thể nói đây là một cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển đội ngũ nhà giáo một cách bài bản và bền vững trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Vị thế nhà giáo được nâng tầm
Thực tế, nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng trình Quốc hội ban hành luật Nhà giáo đã được đặt ra từ năm 2004, trong Chỉ thị 40/CT-TW. Đến năm 2008, Quốc hội dự kiến đưa Luật Nhà giáo vào chương trình dự án luật năm 2009 và giao Bộ GDĐT chủ trì tham mưu cho Chính phủ.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Quốc hội chuẩn bị thông qua luật Viên chức, nên Luật Nhà giáo bị hoãn. Vì thế suốt gần 20 năm qua, nhiệm vụ xây dựng Luật Nhà giáo vẫn chưa hoàn thành.
Bước sang năm mới 2023, đội ngũ giáo viên, những người công tác trong ngành giáo dục bày tỏ mong muốn, Luật Nhà giáo sẽ sớm được thông qua, để các thầy cô an tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Những năm qua, chính sách đãi ngộ nhà giáo dù đã được Đảng và Nhà nước chú trọng, quan tâm nhưng thực tế thầy cô vẫn đang gặp những khó khăn nhất định trong cuộc sống. Cô Nguyễn Thị Thuận, nguyên giáo viên THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) nêu nhiều vấn đề liên quan đến giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhưng nếu chỉ dừng lại ở thông tư, nghị định và các văn bản khác thì chưa thể giải quyết hết.
Hoặc nếu giải quyết được thì có thể xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các văn bản. Cô Thuận cho rằng, có Luật Nhà giáo, sẽ giải quyết được những vướng mắc trên, đồng thời bảo đảm quyền lợi giáo viên.
Bởi hiện nay, giáo viên miền núi, dù dạy ở vùng I nhưng điều kiện còn nhiều vất vả, thiếu thốn chẳng khác gì giáo viên vùng khó, nhưng lại không được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi… Khi Luật Nhà giáo ban hành với những quy định đặc thù, cơ chế khuyến khích, tạo động lực sẽ trở thành hành lang pháp lý để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến.
PGS.TS Hoàng Bích Liên, Viện nghiên cứu giáo dục cho rằng, Luật Giáo dục sửa đổi 2019 dù có chương IV với 14 điều quy định nhưng chỉ mang tính chất chung để ngành quản lý, cán bộ quản lý thực thi nhiệm vụ đối với giáo viên, chưa quy định cụ thể rõ ràng mức độ, tính chất đặc trưng, đặc thù của nhà giáo…
Do đó, rất cần luật riêng, quy định về chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của giáo viên. Khi Luật Nhà giáo được ban hành, vị thế thầy cô được nâng lên tầm cao mới. Nhà giáo với công việc đặc thù cần những quy định riêng, không phải chung chung, cào bằng cùng với những công chức, viên chức trong các ngành nghề khác trong Luật viên chức như hiện nay.
Chuyên gia này cũng cho rằng, Luật Nhà giáo cũng cần các quy định kiến tạo chính sách thu hút, phát triển đội ngũ, đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng, làm động lực để ngành có thể thu hút được người giỏi, tạo động lực cho thầy cô cống hiến, tận tâm với nghề.