Sở GDĐT Hà Nội vừa phát hành phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10. Đây là thời điểm quan trọng, các em cần nắm chắc các quy định tuyển sinh để tránh những sai sót, nhầm lẫn không đáng có.
Cách thức đăng ký nguyện vọng
Năm học 2022-2023, toàn thành phố dự kiến có hơn 129.000 học sinh lớp 9 đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THCS.
Theo kế hoạch, hôm qua, ngày 6/4, Sở GDĐT Hà Nội phát hành “Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024”.
Sau đó, các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã sẽ chuyển toàn bộ số lượng phiếu này tới các trường THCS, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên để phục vụ học sinh lớp 9 đăng ký dự tuyển lớp 10.
“Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023-2024” do Sở GDĐT Hà Nội phát hành có hai phần chính, gồm: Phần thông tin cá nhân và phần đăng ký nguyện vọng dự tuyển (vào lớp 10 không chuyên; vào lớp 10 chuyên; vào lớp 10 hệ song bằng tú tài; vào lớp 10 song ngữ tiếng Pháp).
Sở GDĐT Hà Nội lưu ý, trong phần đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 không chuyên, học sinh phải ghi rõ khu vực tuyển sinh và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng từ 1 đến 3. Toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh.
Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải vào trường THPT thuộc cùng một khu vực tuyển sinh mà học sinh (hoặc bố, hoặc mẹ, hoặc người giám hộ của học sinh) có nơi thường trú; nguyện vọng 3 có thể là một trường THPT thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ.
Các trường THCS, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sẽ thu “Phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024” vào ngày 24/4/2023.
Học sinh phải làm đủ 3 bài thi
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023-2024 tại Hà Nội diễn ra các ngày 10 và 11/6/2023 với ba môn thi: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.
Quy định bắt buộc đối với các học sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023-2024 trên địa bàn TP Hà Nội là tham dự kỳ thi do Sở GDĐT Hà Nội tổ chức; phải làm đủ ba bài thi theo quy định.
Thí sinh cần ghi nhớ công thức tính điểm xét tuyển. Cụ thể, điểm xét tuyển bằng tổng điểm bài thi môn Toán và điểm bài thi môn Ngữ văn (nhân hệ số 2) cộng điểm bài thi môn Ngoại ngữ, cộng điểm ưu tiên (nếu có).
Trong đó, điểm của các bài thi được chấm theo thang điểm 10. Như vậy, để được tham gia dự tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập, mỗi học sinh phải làm đủ ba bài thi.
Về nguyên tắc xét tuyển, Sở GDĐT Hà Nội chỉ đưa vào diện xét tuyển những học sinh không vi phạm quy chế hoặc có nhưng không đến mức hủy kết quả thi trong kỳ thi tuyển sinh và không có bài thi nào bị điểm 0.
Đề thi do Sở GDDT Hà Nội xây dựng. Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình trung học cơ sở hiện hành của Bộ GDDT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.
Trong đó, đề thi môn toán và ngữ văn bảo đảm 4 cấp độ nhận thức gồm: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và có một số câu ở cấp độ vận dụng.
Các vi phạm có thể khiến thí sinh bị đình chỉ, huỷ kết quả
Để bảo đảm kết quả kỳ thi nghiêm túc, chính xác, từ nay tới ngày thi, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy chế thi cho thí sinh.
Ngoài các nội dung về trách nhiệm thí sinh, các nhà trường cần nhấn mạnh quy định về các hình thức xử lý vi phạm quy chế thi để thí sinh biết, tự giác tuân thủ.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội sẽ áp dụng các quy định của quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành. Điều 54 của quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GDĐT ban hành nêu rõ: Mọi vi phạm quy chế thi đều bị lập biên bản, xử lý kỷ luật và thông báo cho thí sinh. Tùy theo mức độ vi phạm, thí sinh có thể bị xử lý theo một số hình thức.
Thứ nhất, khiển trách. Hình thức này áp dụng đối với thí sinh phạm lỗi một lần khi nhìn bài hoặc trao đổi bài với người khác.
Thứ hai, cảnh cáo, đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách; trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác; chép bài của thí sinh khác hoặc để thí sinh khác chép bài của mình.
Thứ ba, đình chỉ thi, đối với thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép vào phòng thi, phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyển trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ.
Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó. Ngoài các hình thức này, căn cứ vào mức độ vi phạm, thí sinh còn có thể bị trừ điểm bài thi; hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; truy cứu trách nhiệm hình sự...