El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, là nguyên nhân gây ra hạn hán, thiếu nước, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh, các khu vực đang bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Và phương án phải sống chung lâu dài với hạn hán được Chính phủ đặt ra.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm
bà con tại thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).
100.000 ha cà phê bị ảnh hưởng
Do lượng mưa năm 2015 thấp, dung tích trữ của một số hồ chứa thủy lợi, thủy điện bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Tại Khánh Hòa, Các hồ chứa thủy lợi hiện có dung tích trữ đạt trung bình 50-60% dung tích thiết kế, Dự kiến, vụ Hè Thu có 8/19 hồ chứa chỉ đáp ứng tưới 1 phần nhu cầu tưới, tổng diện tích dừng sản xuất khoảng gần 10.000 ha.
Tương tự, tại Ninh Thuận dự kiến đến đầu vụ Hè Thu dung tích các hồ chứa thủy lợi chỉ còn lại khoảng 25% dung tích thiết kế, chỉ có 4/21 hồ đáp ứng đủ tưới cho vụ Hè Thu, 6/21 hồ đáp ứng được 1 phần nhu cầu và 9/21 hồ không có khả năng phục vụ sản xuất ở vụ Hè Thu hơn 10.000 ha.
Ở Bình Thuận, vụ Đông Xuân đã có 15.423ha lúa (chiếm hơn 40% diện tích lúa trong điều kiện bình thường) phải dừng sản xuất do không đủ nước tưới, 50 ha lúa bị mất trắng và 461 ha cây trồng (lúa, màu) đang bị thiếu nước. Có khoảng 3.000 ha lúa và nhiều diện tích cây lâu năm của tỉnh như cao su, thanh long, hồ tiêu, điều sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hạn hán. Dự kiến, vụ Hè Thu diện tích phải dừng sản xuất gần 20.000ha.
Đến thời điểm này, ở các tỉnh Tây Nguyên diện tích phải dừng sản xuất là 2.865 ha, gồm: 2.650 ha ở Gia Lai, 215 ha ở Đắk Nông. Đến giữa tháng 3-2016, diện tích bị hạn hán, thiếu nước khoảng 180.000 ha, dự báo đến cuối vụ có trên 100.000 ha cà phê bị ảnh hưởng do hạn hán.
Ứng phó theo hướng lâu dài
Để ứng phó với tình hình hạn hán ngày càng khốc liệt, các tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp chống hạn để giảm thiệt hại cho người dân như chuyển đổi diện tích cây lúa sang trồng những cây chịu hạn; vận động người dân áp dụng các phương pháp tưới tiêu tiết kiệm nước; tập trung di chuyển đàn gia súc đến nơi chủ động nguồn nước và thức ăn. Đồng thời các địa phương đã kiến nghị Chính phủ xem xét tạm ứng ngân sách Trung ương để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán. Về lâu dài, các địa phương kiến nghị Thủ Tướng Chính Phủ, bố trí đủ vốn thực hiện các dự án đầu tư trong các vùng khô hạn, ưu tiên hoàn chỉnh các công trình để tích nước hồ chứa, hoàn thiện hệ thống kênh mương để phát huy ngay hiệu quả công trình.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết, nước ta là 1 trong 2 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi El Nino. Vì vậy việc chống hạn năm 2016 chúng ta không chỉ bàn đưa ra các giải pháp nhất thời, mang tính đối phó tình huống mà phải gắn với tầm nhìn dài hạn. Ví dụ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không phải chuyển đổi trong năm nay mà phải có tầm nhìn trong nhiều năm.
Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến cho người dân biết để chủ động ứng phó hạn hán; đồng thời thực hiện phương châm ưu tiên nước sinh hoạt cho người dân, không để dân khát, nếu nơi nào thiếu nước chúng ta có thể chở nước tới hoặc đấu nối mạng nước, ưu tiên kinh phí cấp bách xây dựng công trình cấp nước cho dân.
Với dự báo tình hình sẽ còn khó khăn kéo dài, hạn hán tiếp tục gay gắt ở mức kỷ lục trong nhiều năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh tiếp tục những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn và lâu dài hơn vì hạn hán không phải chỉ xảy ra trong 1 hay 2 năm mà sẽ tiếp tục diễn biết phức tạp và còn lâu dài nữa. Do đó, các địa phương cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động tất cả các đối tượng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn nước, người dân có giải pháp thay đổi cơ cấu cây trồng, di chuyển vật nuôi đến những điểm thuận lợi hơn về nước, tăng cường phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi và cây trồng, triển khai phòng chống cháy rừng. Tuyệt đối không để dân khát, dân đói, dịch bệnh và cháy rừng xảy ra.