Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2016, cả nước đã thu hút được gần 13 tỷ USD vốn FDI, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn con số có vẻ đó là một thành tích, song, giới chuyên gia cảnh báo, trong giai đoạn tới, thu hút FDI cần có sự lựa chọn, chú trọng về chất lượng dòng vốn thay vì mở cửa thu hút “vô tội vạ” như trước đây.
Dòng vốn FDI đầu tư trong lĩnh vực điện tử đang tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Khu vực FDI tiếp tục là điểm sáng
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm 2016, cả nước đã thu hút được gần 13 tỷ USD vốn FDI, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực kinh tế này cũng tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu khi đạt 68,9 tỷ USD và xuất siêu hơn 13 tỷ USD; qua đó góp phần bù đắp cho phần nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước.
Kể từ thời điểm nhà nước mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, không thể phủ nhận những thành quả kinh tế mà khu vực DN FDI mang lại. Sự gia tăng về những dự án lớn, những tập đoàn có thương hiệu nổi tiếng trên thế giới tham gia vào môi trường kinh doanh của Việt Nam không những tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động của Việt Nam mà còn góp phần tạo sức lan tỏa về nguồn vốn cũng như công nghệ máy móc, thiết bị làm thay đổi khá nhiều diện mạo nền kinh tế của nhiều địa phương nói riêng và cả nền kinh tế nước nhà nói chung.
Theo nhận định của giới chuyên gia, con số thu hút nguồn vốn FDI trong 7 tháng đầu năm 2016 chính là kết quả tất yếu của quá trình cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh theo hướng vì sự phát triển của DN. Với việc đưa Luật Đầu tư và Luật DN mới đi vào cuộc sống, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khẳng định mục tiêu tăng cường thu hút đầu tư, đưa Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đối với vốn FDI.
Sau đó là những lo ngại
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả mà chúng ta đang có được từ việc mở cửa đón dòng vốn nước ngoài, nguồn vốn này cũng đang bộc lộ những mặt trái đáng quan ngại.
Đó là những hệ lụy của sự tác động khủng khiếp đến môi trường và Formosa là một bài học đắt giá. Hay những dự án lớn chậm tiến độ hàng chục năm gây lãng phí hàng triệu USD. Một con số thống kê cho biết, đầu tư nước ngoài của chúng ta đang ở tình thế quá tải khi có tới 100 tỷ USD vốn FDI chưa được thực hiện.
Bởi vậy, đây không còn là thời điểm chúng ta mở cửa để thoải mái thu hút nguồn vốn FDI, thay vào đó, thu hút cần có sự lựa chọn và theo TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cần phải có một cuộc tổng rà soát những dự án đã và đang vào Việt Nam.
Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, điểm yếu trong phương pháp kêu gọi đầu tư nước ngoài của Việt Nam thời gian qua nằm ở chỗ, chúng ta không lựa chọn nhà đầu tư mà để nhà đầu tư lựa chọn chúng ta. Vậy nên mới có tình trạng bất cứ nhà đầu tư nào đặt vấn đề vào Việt Nam cũng được chấp thuận, mà đúng hơn là hoan nghênh.
Cho phép và không hề tính đến những hệ lụy về môi trường hay những thiệt hại về kinh tế có thể xảy ra, kết quả là, Việt Nam đã nhận được vô số những “trái đắng” từ việc thu hút đầu tư bằng mọi giá.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài (Vafie), sự cố Formosa vừa qua đưa ra lời cảnh báo về việc: Cần thiết phải xem xét lại phân cấp quản lý FDI.
Theo ông Toàn, trong vụ việc của Formosa, chúng ta vẫn chưa xác định được người phải chịu trách nhiệm. Chính bởi vậy, cần phải làm sao phân cấp đến người đứng đầu và quy trách nhiệm đến cá nhân người thực hiện để khi xảy ra bất kể sự cố nào cũng quy được trách nhiệm cụ thể.
Có lẽ, không còn sớm, song những cảnh báo từ việc thu hút đầu tư nước ngoài một cách “vô tội vạ” vẫn luôn thời sự. Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, 2016 là thời điểm bắt đầu một giai đoạn mới và các chính sách về thu hút đầu tư FDI cần phải được thay đổi, phải nhìn nhận lại những bài học “đắng cay” đã qua để từ đó có sự chấn chỉnh, nhằm tránh những hệ lụy không đáng có cho nền kinh tế cũng như cho môi trường sống của chính chúng ta.
“Nhìn những con số đạt được từ thu hút FDI hôm nay, chúng ta không nên quá phấn khích trước thành tích đó mà quên đi mục tiêu quan trọng hơn là chú trọng vào chất lượng dòng vốn. Giai đoạn tới, 2 vấn đề cần đặt lên hàng đầu trong thu hút FDI là tính lan toả của vốn FDI và câu chuyện phân cấp quản lý dự án” - Phó Chủ tịch Vafie nêu quan điểm.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2016 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 598 dự án đầu tư đăng ký mới và 485 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 9,12 tỷ USD, chiếm 70,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 7 tháng. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 30 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 956,7 triệu USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 595,8 triệu USD, chiếm 4,6% tổng vốn đầu tư... |