Kinh tế

Nắn dòng vốn kiều hối vào sản xuất kinh doanh

Trần Bình 20/01/2025 16:38

Cận tết, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đã gia tăng đáng kể, trở thành một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong những năm qua, phần lớn kiều hối được sử dụng cho tiêu dùng cá nhân hoặc tích luỹ thành bất động sản thay vì được đầu tư tái tạo vào sản xuất kinh doanh.

Nguồn lực lớn từ kiều hối

Lượng kiều hối về Việt Nam năm 2024 đạt kỷ lục 16 tỷ USD, và tiếp tục tăng cao trong thời gian sát Tết Nguyên đán khi một lượng lớn kiều bào, người lao động ở nước ngoài và khách du lịch quốc tế về nước đón Tết sẽ mang theo một dòng kiều hối đa dạng..

Trong khoảng 1 tháng trước Tết là giai đoạn lượng kiều hối chuyển về trong nước vào mùa cao điểm, với doanh số được dự báo sẽ tăng ít nhất 30 - 40% so với các tháng trong năm. Kiều hối chuyển về trong nước từ 2 nguồn chính: nguồn tiền của kiều bào gửi về hỗ trợ thân nhân trong nước và nguồn tiền của người Việt Nam ra nước ngoài lao động.

Trong năm qua, dòng kiều hối từ các khu vực châu Á, châu Đại Dương, châu Mỹ đều tăng. Tại TP Hồ Chí Minh, kiều hối từ châu Á tăng tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, năm 2024 cũng ghi nhận một số thị trường mới như dòng kiều hối chuyển về từ châu Phi. TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương “hút” lượng kiều hối lớn nhất, chiếm tỷ trọng 55 - 60% kiều hối chuyển về của cả nước và là "nguồn lực vàng" đóng vào tăng trưởng chung.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, trong tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn thành phố năm vừa qua, hơn 74% được thực hiện thông qua các công ty kiều hối, trong khi các tổ chức tín dụng chỉ chiếm khoảng 26%. Trong thời gian tới dòng kiều hối về thành phố sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng từ 6 - 8% trong những năm tiếp theo.

Tại Công ty Kiều hối Sacombank-SBR, lượng kiều hối từ châu Phi chiếm tỷ trọng khoảng 5% trong tổng số xấp xỉ 4 tỷ USD kiều hối chuyển về. Theo tính toán của công ty kiều hối Vietcombank, năm 2024, công ty có doanh số kinh doanh kiều hối khoảng 1,9 tỷ USD.

Theo Công ty kiều hối Vietcombank, tổng lượng kiều hối luân chuyển ở 10 quốc gia khu vực Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương năm 2025 dự báo khoảng 137 tỷ USD.

Nắn dòng vốn vào sản xuất kinh doanh

Ở góc độ tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, 2 năm qua, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hỗ trợ rất ít cho sản xuất kinh doanh, mà chủ yếu dùng cho tiêu dùng và đầu tư bất động sản.

Việc tích lũy quá mức vào bất động sản có thể dẫn đến bong bóng giá đất, làm tăng bất bình đẳng xã hội và khó khăn cho các nhà đầu tư khác. Kiều hối có thể trở thành nguồn vốn chiến lược nếu được chuyển hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, công nghệ hoặc khởi nghiệp, mang lại lợi ích lâu dài cho nền kinh tế.

Khi nguồn tiền lớn kiều hối chỉ chảy vào tiêu dùng hoặc bất động sản, dòng vốn không được tái tạo vào sản xuất kinh doanh dẫn đến hạn chế khả năng tạo việc làm và phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, gây lãng phí nguồn lực. Thu hút kiều hối vào hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ góp phần đáng kể vào nền kinh tế quốc gia mà còn là cách thúc đẩy phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống lâu dài cho toàn xã hội.

Hiện nay, kiều bào ở các nước mong muốn đóng góp phát triển đất nước ngày càng tăng. Do đó, cần có chính sách hút kiều hối vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

ảnh 2
Theo khảo sát của Dự án Nông nghiệp xanh OTA, một lượng kiều hối từ lao động xuất khẩu khu vực miền Trung bắt đầu chảy vào đầu tư nông nghiệp xanh (Ảnh minh họa)

TS. Phạm Văn Tòng, chuyên gia có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư tài chính đề xuất các cơ quan chức năng cần ban hành và tăng cường minh bạch thông tin về những chính sách đặc thù để thu hút kiều hối vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Hiện nay, nhiều kiều bào lo ngại về độ rủi ro khi đầu tư tại Việt Nam. Do đó, việc xây dựng các quỹ đầu tư và cơ chế bảo đảm an toàn cho dòng vốn, tăng cường các hoạt động tư vấn, đào tạo và cung cấp đầy đủ thông tin chính sách về thị trường là các yếu tố quan trọng giúp kiều bào yên tâm tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, và các dịch vụ hỗ trợ các dự án kinh doanh. Công nghệ số và các nền tảng giao dịch trực tuyến có thể giúp kiều bào tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh một cách nhanh chóng và hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nắn dòng vốn kiều hối vào sản xuất kinh doanh