Tại Nghệ An dư luận đang quan tâm chuyện đặt tên cho đơn vị cấp xã sau khi sáp nhập. Có nhiều ý kiến sau khi những cái tên lạ xuất hiện.
Những ngày qua, nhiều người dân Nghệ An có ý kiến trái chiều về việc dự kiến lấy tên xã, phường, thị trấn mới sau khi sáp nhập bằng cách ghép tên mỗi xã 1 từ. Với cách ghép đôi này, người dân sợ mất tên đã gắn với lịch sử, văn hóa lâu đời.
Đơn cử như tại huyện Quỳnh Lưu là nơi có nhiều đơn vị hành chính sáp nhập nhất Nghệ An (17 đơn vị hành chính có phương án sắp xếp). Tại đây, người dân không đồng tình với tên mới sau sáp nhập, nhất là việc sáp nhập thiếu nét văn hóa, lịch sử của từng vùng. Đỉnh điểm của vấn đề chính là việc sáp nhập giữa xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu thành Đôi Hậu.
Sau khi cái tên Đôi Hậu được đưa ra, dư luận cho rằng tên quá xa lạ, bởi nếu phương án này được phê duyệt, địa danh Quỳnh Đôi, một xã rất nổi tiếng về học hành, khoa bảng và nhiều người thành đạt sẽ chỉ còn là dĩ vãng. Ngoài ra, theo đề nghị, các xã sau sáp nhập tại huyện Quỳnh Lưu dự kiến như sau: Xã Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy thành xã Phú Nghĩa; các xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá và Quỳnh Ngọc sau sáp nhập có tên mới là Bình Sơn; xã Quỳnh Thuận sáp nhập với Quỳnh Long, thành xã Thuận Long; Quỳnh Thọ và Sơn Hải thành xã Hải Thọ; Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ thành Hoa Mỹ; Quỳnh Minh và Quỳnh Lương thành Minh Lương.
Trong khi đó, tại huyện Thanh Chương, có 2 xã Thanh Giang và Thanh Mai, huyện đã đề xuất tên gọi mới là xã Tân Dân nhưng không nhận được sự đồng thuận, dự kiến tên xã mới sẽ là Mai Giang… Trước đó, nhiều tên lạ khác đã được ra đời sau khi sáp nhập như xã Châu Nhân, Long Xá (Hưng Nguyên), xã Đại Đồng (Thanh Chương), xã Thượng Tân Lộc, Trung Phúc Cường (Nam Đàn), Minh Châu (Diễn Châu)…
Ông Hồ Đức Vỹ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Đôi cho biết, xã Quỳnh Đôi xưa kia là tên làng, sau đó được lấy để đặt cho tên xã. Nay, theo chủ trương 2 xã Quỳnh Đôi và xã Quỳnh Hậu sáp nhập thành một xã. Riêng cán bộ và người dân xã Quỳnh Đôi rất muốn giữ cái tên xã Quỳnh Đôi vì nó đã gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hóa của bao thế hệ, nhưng rất khó vì xã Quỳnh Hậu cũng muốn giữ tên của xã mình.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu Trần Đức Hữu cũng cho rằng, người dân xã Quỳnh Hậu vẫn muốn được giữ tên xã của mình sau khi sáp nhập, bởi nó ra đời từ những năm 1946, đã gắn liền với lịch sử, với bao thế hệ. Cả 2 xã đều muốn có một cái tên phù hợp, nhưng rất khó, chưa biết lấy tên gì để vừa phù hợp, có ý nghĩa, vừa giữ được tên gốc.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, huyện cũng đang băn khoăn khi việc ghép tên 2 xã sáp nhập thành tên xã mới theo phương án hiện tại. Theo phương án dự kiến ban đầu là giữ lại tên của 1 trong 2 xã sáp nhập nhằm giảm áp lực cho người dân trong việc thay đổi thông tin trên các giấy tờ sau sáp nhập.
Ông Dinh cho biết, việc xác định tên gọi các đơn vị hành chính sau sáp nhập tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của người dân, dự kiến tổ chức vào ngày 15/5 tới, nếu vẫn còn có ý kiến trái chiều thì tiếp tục xem xét và làm lại quy trình.
Về vấn đề này, Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho biết, sẽ hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã có liên quan chỉ đạo xã, phường, thị trấn tổ chức lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Việc đổi tên địa giới hành chính mới phải được lấy ý kiến của nhân dân là cử tri ở đơn vị hành chính cấp xã, chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo hình thức phát phiếu, trình tự, thủ tục, thời gian, mẫu phiếu lấy ý kiến cử tri và các nội dung khác thực hiện theo quy định.
Ông Trần Mạnh Cường - Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Nghệ An) cho rằng, việc đổi tên gọi địa danh là đứt gãy văn hóa. "Nếu sắp tới, những đề xuất được thực hiện, chẳng khác nào xóa bỏ một phần lịch sử, phá hủy một phần của văn hóa. "Hóa thạch sống" này khi không còn gắn với một đơn vị hành chính cụ thể sẽ bị lãng quên, dần qua các thế hệ không còn ai nhớ đến" - ông Cường chia sẻ.