Hỗn chiến kinh hoàng tại bệnh viện vì côn đồ thanh toán lẫn nhau, hành hung nhân viên y tế tới tử vong, bắt cóc trẻ sơ sinh… là tình trạng đáng báo động của vấn đề “bạo hành y tế”, gây mất an ninh, trật tự bệnh viện được Bộ Y tế thông tin tại Hội nghị Tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế diễn ra sáng 7/4.
Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết, từ năm 2010 tới nay, cả nước ghi nhận có 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện. Trong đó, chiếm 60% các vụ việc xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh; 20% tại bệnh viện tuyến trung ương.
Trong đó, đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ, chiếm tới 70% và điều dưỡng chiếm 15% số vụ việc. 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%). 30% số vụ việc là xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh.
Theo đại tá Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), có nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các bệnh viện như trộm cắp, móc túi; cò mồi, bảo kê tranh giành trước cổng viện; người nhà bệnh nhân và bệnh nhân sử dụng ma túy, rượu bia dẫn tới bị tác động thần kinh gây ra hành vi nguy hiểm.
Tuy nhiên, nguy hiểm nhất của tình trạng mất an ninh, trật tự chính là việc hành hung bác sĩ, nhân viên y tế gây nguy hiểm tính mạng…
Theo tiêu chí về bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện (là một trong 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế), hiện nay, chỉ có 10/1111 bệnh viện (khoảng 0,9%) được đánh giá đạt mức 5, trong đó có một bệnh viện thuộc Bộ Y tế, ba bệnh viện tuyến tỉnh và sáu bệnh viện tư nhân.
Thực trạng mất an ninh, trật tự tại bệnh viện diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng công tác khám, chữa bệnh; ảnh hưởng tinh thần, tính mạng, động lực và sự tận tụy của đội ngũ nhân viên y tế.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho rằng để tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, cần phải có sự phối hợp tăng cường giữa ngành y tế và công an, bảo đảm an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh, giúp bệnh viện ngăn chặn tình trạng “cò” níu kéo bệnh nhân, nạn côn đồ tấn công bệnh viện hoặc nạn trộm cắp, móc túi, bắt cóc trẻ.
Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng cần phải hoàn thiện khung pháp lý, trong đó, đề nghị có khung riêng cho ngành y tế vì đặc thù các cán bộ, nhân viên y tế đã bị “tước” một phần khả năng tự vệ, phản kháng trong các tình huống khám, chữa bệnh cho người dân. Cần xử lý nghiêm, tăng khung hình phạt với các đối tượng gây mất trật tự, an ninh bệnh viện.
GS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, Cục quản lý Khám chữa bệnh tiếp tục có kế hoạch kiểm tra, rà soát các cơ sở y tế về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong bệnh viện, đồng thời yêu cầu, lãnh đạo bệnh viện phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành địa phương; nắm bắt tình trạng mất an ninh nổi cộm nhất tại viện mình để có phương án bảo vệ nhân viên y tế và bảo đảm an ninh, trật tự cho bệnh viện.
Đặc biệt, phải xây dựng lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản; xây dựng và củng cố đội an ninh phản ứng nhanh, sẵn sàng đối phó với các sự cố.