Những ngày qua, liên tiếp các cơn bão đã đổ bộ vào nước ta gây ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống; trong đó, bảo đảm giao thông thông suốt là nhiệm vụ cấp bách. Nhất là trong bối cảnh diễn biến của bão và hoàn lưu bão gây nguy cơ sập các cầu yếu, cầu đã xây dựng lâu năm.
Trong đợt bão số 3 vừa qua, một loạt cầu ở Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Giang… đã phải hạn chế và cấm phương tiện di chuyển vì lo ngại nước lũ chảy xiết dẫn tới nguy cơ sập cầu. Bão và hoàn lưu bão số 3 cũng gây sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) cũng như cầu Ngòi Móng (tỉnh Hòa Bình).
Đối với trường hợp cầu Phong Châu, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Bùi Quang Thái cho biết: “Cầu xây trước năm 1996, được bảo dưỡng thường xuyên. Đến thời điểm xảy ra sự cố, đơn vị không nhận được báo cáo về dấu hiệu không bảo đảm an toàn đối với công trình cầu Phong Châu. Do ảnh hưởng của bão số 3, nước lũ trên sông Thao (dòng chính của sông Hồng) lên rất cao, chảy xiết, cầu Phong Châu tại km18+300 Quốc lộ 32C, kết nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính”.
Ông Nguyễn Thành Long (Trường Đại học Giao thông vận tải) cho hay, tác động về kết cấu, địa chất của công trình, tác động của thời tiết cực đoan như bão lũ có thể gây sập cầu, nhất là các cầu yếu, cầu đã xây dựng lâu năm. Để xác định nguyên nhân chính xác cần rất nhiều dữ liệu cũng như thời gian. Trước mắt, vấn đề làm sao để nâng cao chất lượng cảnh báo, đánh giá khả năng an toàn của các công trình giao thông trước ảnh hưởng thiên tai.
“Đối với cầu nằm trong vùng ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, các đơn vị cần kiểm tra, đánh giá tình trạng. Cầu yếu phải theo dõi thường xuyên và xử lý kịp thời khi thời tiết xấu, tránh để ảnh hưởng đến khai thác đảm bảo an toàn công trình cũng như an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua cầu” - ông Nguyễn Thành Long nói.
Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Mạnh Thắng cũng nhấn mạnh: “Đơn vị kiên quyết tạm dừng khai thác, sử dụng vào mục đích giao thông đối với các công trình cầu không bảo đảm an toàn cho khai thác sử dụng do thiên tai, mức nước dâng cao, lưu tốc dòng chảy lớn, cầu yếu, các trường hợp có dấu hiệu tiềm ẩn nguy cơ mất an toan giao thông, an toàn công trình”.
Theo báo cáo của Cục Đường bộ Việt Nam, đợt bão số 3 vừa qua gây thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, chủ yếu đối với các tuyến quốc lộ từ Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc. Theo đó, sập, trôi 2 nhịp cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ); hư hỏng 1 cầu phao tại Nam Định. Ngoài ra, tạm dừng khai thác 4 cầu khác trên quốc lộ để bảo đảm an toàn trong điều kiện nước sông dâng cao, chảy xiết; dừng khai thác 3/4 bến phà trên quốc lộ tại Nam Định, Thái Bình do nước dâng cao, chảy xiết.
Trước nguy cơ ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão đến hạ tầng giao thông, liên quan đến cầu đường, Bộ Giao thông vận tải đang yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát các cầu bắc qua sông đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ, đặc biệt là cầu yếu, cầu đã xây dựng lâu năm, các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét trên các quốc lộ để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa nhằm bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Đường cao tốc Việt Nam khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát các cầu, các công trình đang thi công, các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt trượt, ngập lụt do mưa, lũ trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường cao tốc đang khai thác để có phương án xử lý kịp thời bảo đảm an toàn giao thông, an toàn công trình; tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông an toàn khi có ách tắc.
Bên cạnh đó, Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác ở các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm, đặc biệt là tại các cầu bắc qua sông đang bị ảnh hưởng của mưa lũ, đoạn đường có nguy cơ xảy ra ngập nước, đá rơi, đất sụt… để kịp thời có phương án ứng phó hoặc dừng chạy tàu.