Ngày 30/7, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra Hội thảo khoa học “Chất lượng hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp ở địa phương - thực trạng và giải pháp” do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, ThS Võ Văn Thiện - Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Công tác phía Nam khẳng định, hoạt động phản biện xã hội là một trong những quyền và trách nhiệm cơ bản của MTTQ Việt Nam, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước, xây dựng pháp luật; làm cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng phù hợp hơn với thực tế đời sống xã hội, thể hiện được ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Ở nhiều địa phương, công tác phản biện xã hội thực sự tạo dấu ấn với những kết quả đáng ghi nhận. Chẳng hạn, tại tỉnh Ninh Thuận, từ năm 2020 đến nay, MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức 157 hội thảo phản biện xã hội. Để đạt hiệu quả cao, tài liệu phản biện xã hội được gửi đến đại biểu tham gia nghiên cứu trước từ 7-10 ngày. Đến ngày tổ chức hội thảo, các đại biểu đều góp ý, tranh luận sôi nổi. Đặc biệt, có 70-80% nội dung phản biện xã hội được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, phản hồi tích cực.
Tại Đồng Nai, từ năm 2017, Ủy ban MTTQ các cấp đã hiệp thương thống nhất xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội mỗi năm, làm rõ hơn vai trò chủ trì của MTTQ Việt Nam và của từng tổ chức thành viên, khắc phục sự trùng lặp về nội dung, thời gian, địa bàn thực hiện. MTTQ các cấp phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ban tư vấn, tổ tư vấn, Ủy viên Ủy ban MTTQ, các chuyên gia, nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực để thực hiện phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. MTTQ các cấp tổ chức phản biện 291 dự thảo Nghị quyết. Trong đó, nổi bật một số dự thảo Nghị quyết như: Dự thảo Nghị quyết về việc quy hoạch chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố; Dự thảo Nghị quyết quy định chế độ phụ cấp đối với Trưởng các đoàn thể ở ấp, khu phố và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Tổ nhân dân, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh… với nhiều bài tham luận và ý kiến phản biện của các đại biểu có chất lượng.
“Tôi cho rằng, MTTQ cần chọn nội dung phản biện phù hợp tình hình thực tế. Không nhầm lẫn giữa hoạt động phản biện với góp ý. Không né tránh, nể nang, có như vậy phản biện xã hội mới đạt hiệu quả cao” - bà Lưu Thị Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Có 10 năm là Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế - Xã hội (Ủy ban MTTQ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), bà Nguyễn Thị Hồng Xinh cho rằng, cán bộ MTTQ hiện đều có bằng cấp cao, nhưng cần có sự va chạm, trải nghiệm trong công tác để có thể phản biện xã hội hội tốt. “Khi thực hiện phản biện xã hội, cần luôn xác định mục đích của phản biện xã hội nhằm xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền lợi của người dân tốt hơn. Nên chăng, các ý kiến góp ý tại hội thảo phản biện cần được MTTQ tổng hợp và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được hiểu kỹ hơn” - bà Xinh nói.
Các đại biểu cũng chỉ ra, cần tập trung thực hiện một số định hướng, giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng của MTTQ Việt Nam, như: Tăng cường phản biện xã hội theo chuyên đề; Chủ động tạo sự gắn kết giữa công tác nắm tình hình nhân dân, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri với việc triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội; chủ động tham mưu cấp ủy, phối hợp chính quyền tham gia xây dựng, ban hành các dự thảo chính sách, pháp luật của địa phương; phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn vào công tác phản biện xã hội...